Người đi xây cầu

Do ông thích và chuyên xây cầu miễn phí cho dân, nên người dân thường gọi ông là “ông Hai bắc cầu”. Ông có đi vay hay xin tiền chủ yếu là để bắc cầu. Ông bắt đầu làm cầu dễ chừng cũng đã mười mấy năm. Vùng đất này kênh, sông chằng chịt.

Ban đầu chỉ là vác gỗ, tre sửa lại những cây cầu khỉ. Rồi đến cưa đục, xách búa đinh đi chữa những cây cầu ván trong vùng. Quen thuộc, nhiều nơi có cầu xuống cấp, nhiều đường thiếu cầu, những người trong vùng lại liên hệ với ông Hai.

Ông sẽ tính toán kinh phí để dựng cầu, đi vận động kinh phí, kiếm thợ và tự bỏ công cùng anh em, bạn bè chung tay xây cầu.

Lão nông 60 tuổi chuyên đi xây cầu miễn phí cho người nghèo ở Đồng Tháp - Hình 1

Ông Hai đang tắm cho heo hàng xóm trong chuồng của mình.

Khi đã quá nhuần nhuyễn làm những cây cầu tải trọng 1 tấn, đủ để xe máy qua sông, ông Hai lại nghiên cứu để xây những cây cầu tải trọng 5 tấn. Thuê người vẽ thiết kế. Thuê người làm giấy tờ xin cấp phép xây dựng...

Lui tới riết rồi ông trở thành hội viên của Hội khoa học cầu đường huyện lúc nào không hay. Được các kỹ sư thực thụ huấn luyện, ông Hai miệt mài nghiên cứu thêm trên Internet, sách vở xây dựng cầu đường. 60 tuổi, ông Hai cũng bắt đầu quen với những bản vẽ kỹ thuật, những kết cấu kèo, biên độ móng của cầu... Giờ đây, cả những cây cầu tải trọng 15 tấn, Hội khoa học kỹ thuật chỉ cần duyệt qua là yên tâm giao lại cho ông Hai thực hiện.

Ông lo tất từ kinh phí, nhân công đến xây dựng. Hội chỉ cần cử người giám sát, giám định và kiểm nghiệm là khánh thành. Những ngày này, ông Hai lên xuống hội liên tục, chuẩn bị bắt tay vào xây dựng một cây cầu trị giá hơn 800 triệu đồng mà ông đã vận động được trước đó. Ngoài cây cầu này, năm 2017, ông xây ba cái nữa. Ba cây cầu này ông đã vận động các mạnh thường quân, tổ chức thiện nguyện tài trợ được hơn 1,5 tỉ đồng.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Không chỉ chí thú đi xây cầu miễn phí, ông Hai còn thích làm đủ chuyện trên đời, miễn là giúp ích được cho một ai đó, một cộng đồng nào đó.

Thấy nhiều người trong ấp không có bằng lái xe máy, ông liền đổ bê tông ngay cái sân nhà mình, vẽ luôn hình vòng số 8, thuê thầy tới tập xe cho mọi người để họ đi thi bằng lái. Con đường chính của ấp lầy lội, ông Hai vận động bà con: “Ai dám hiến đất làm đường thì tui đảm bảo kiếm được tiền đổ bê tông đường”.

Cứ thế mà gần 2km đường xóm ấp được ông Hai đổ bê tông thành công dù tốn tới 1,7 tỉ đồng, nhưng toàn là tiền ông Hai đi vận động... bà con dòng họ mình. Ai hỏi tại sao ông quá rảnh để làm việc “bao đồng” này, ông trả lời hết sức đơn giản: “Làng đẹp thì nhà mình đẹp lây”.

Gần 20 năm qua, đã hàng ngàn người trong vùng được chính ông Hai đưa xe từ quê lên TP.HCM mổ mắt, hết cườm khô, cườm đá. Tiếng tăm ông Hai cũng từ đó dần quen thuộc với hàng loạt quỹ từ thiện khắp nơi.

Năm năm trước, thấy người dân trong xóm nuôi heo mà không có chuồng, ông Hai liền bỏ ra hơn trăm triệu đồng xây luôn chuồng heo trên miếng đất gần 400m2 trong vườn nhà. Ai có nhu cầu nuôi heo mà không có chuồng thì cứ... đem heo đến chuồng ông Hai mà nuôi.

Chuồng heo nhà ông Hai đến bây giờ vẫn là chuồng heo đẹp nhất ở xã này với 2 khu chuồng dành riêng cho heo nái và heo tơ, mỗi chuồng 80m2. Để bảo vệ môi trường sạch sẽ, ông Hai lắp đặt hầm biogas cho chuồng heo của mình. Ông không chỉ giúp chuồng mà còn giúp cả điện, nước. Những người gửi heo nuôi ở đây chỉ tốn tiền duy nhất vào việc mua thức ăn cho heo.

Bởi thế lứa heo nào họ cũng lời hơn bình thường. Người nuôi heo chỉ cần tuân thủ một nội quy: phải giữ vệ sinh chung. “Nghĩa là phải vì cái sạch sẽ chung, như mỗi lần tắm cho heo mình thì cũng nên tắm cho heo người khác, nhờ đó mà thắt chặt thêm tình người giữa những người nuôi heo” - ông Hai nói.

 Hải Nam _Trịnh Uyên