19 tuổi đã làm mẹ kế của 2 đứa con chồng

Năm 19 tuổi, Nguyễn Thị Dung (49 tuổi, ngụ ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) quen biết với ông Nguyễn Văn Đen (hay còn có tên khác là Bảy Đen). Lúc này, ông Bảy Đen hơn 40 tuổi, đã ly hôn vợ đầu và đang nuôi đứa 2 con.

Khi yêu và được bà Dung đáp lại, ông Bảy Đen sợ bà biết chuyện riêng sẽ không đồng ý lấy ông nữa. Suốt khoảng thời gian đó, ông gần như dấu nhẹm chuyện đang là “gà trống nuôi con”.

Chỉ khi về nhà chồng, bà Dung mới ngỡ ngàng khi có sự xuất hiện của 2 đứa trẻ. Bà nhớ lại: “Ngày đầu tiên về nhà ông ấy, tôi hết hồn khi phát hiện ông ấy đã có con. Ổng sợ tôi không đồng ý nên không dám nói.

Nhưng lúc đó, tôi hiền lắm. Từ nhỏ bố mẹ tôi mất sớm, anh em mỗi người một nơi. Tôi ở với bố mẹ nuôi, mẹ nuôi có 6 người con nên tôi phải bế tới 6 đứa em. Thành ra mình có tình cảm với trẻ con từ bé”.

Dù mang phận mẹ ghẻ, con chồng nhưng ở địa phương, bà Dung được tiếng hiền lành, thương yêu, chăm lo cho con chồng như con ruột. Bà không bao giờ tỏ thái độ phân biệt con anh con tôi mà luôn dạy các con phải hòa thuận, thương yêu, chăm sóc nhau.

“Khi lấy chồng tôi chỉ nghĩ tìm chỗ nương tựa, có một mái ấm để về chứ không ham tiền bạc hay bất cứ thứ gì. Khi tôi về 2 con của chồng một đứa lên 5 đứa lên 7 tuổi, nhìn chúng nó nheo nhóc, tội nghiệp lắm. Chúng nó cũng gẫn gũi với tôi ngay từ những ngày đầu tiên nên không có bất cứ khoảng cách nào giữa mẹ kế với con chồng. Lúc tôi sinh con, hai anh chị lớn cũng thương em, lo cho em chứ không có sự phân biệt. Vợ chồng tôi đối xử công bằng với tất cả các con nên chúng yêu thương nhau một cách tự nhiên”.

Người mẹ kế hơn 30 năm chăm sóc con chồng, giờ vẫn ngày ngày chăm cháu chồng bại não - Hình 1

Vợ chồng bà Dung hạnh phúc sau nhiều năm chung sống.

Thấy vợ không những không ghét bỏ mà còn hết lòng thương yêu 2 đứa con của chồng, ông Bảy Đen vô cùng vui mừng. Ông tâm sự: “Thấy bà thương các con mình, rồi khi chúng tôi sinh thêm 2 đứa con nữa, các con đều yêu thương nhau, tôi mừng lắm vì ít thấy gia đình nào được như vậy. Đây cũng chính là động lực cho tôi mỗi ngày đi làm, cứ nghĩ đến vợ và các con là có động lực để cố gắng làm thật chăm chỉ để kiếm nhiều tiền.

Tôi là người nhà quê nên không hay nói mấy lời cám ơn, vợ chồng mà nói cám ơn thấy khách sáo quá. Chỉ thấy bà thương mình và thương các con thì tôi cũng vui, càng thương và chăm sóc cho bà ấy”.

17 năm chăm sóc cháu ngoại của chồng

Thời gian đầu, chồng bà Dung thuê một quán nhỏ gần nhà mở tiệm hàn, còn Bà Dung vừa chăm con, vừa buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bà Dung vẫn cố gắng vun vén mái ấm của mình.

Cuộc sống càng thêm khó khăn khi hai người con chung lần lượt chào đời. Một nách 4 đứa con thơ, bà Dung phải bỏ hẳn công việc buôn bán ở chợ để chăm con. Thu nhập chính của gia đình lúc đó phụ thuộc cả vào chồng.

Các con dần khôn lớn, cuộc sống vất vả, lam lũ rồi cũng qua. Vợ chồng bà Dung, ông Bảy thở dài nhẹ nhõm khi 4 người con lần lượt yên bề gia thất. Nhưng rồi, hết nuôi con chồng, bà Dung lại tiếp tục bươn chải cuộc sống để cưu mang, chăm sóc cháu ngoại của chồng mắc bệnh bại não, bị cha mẹ “bỏ rơi” khi mới 5 tháng tuổi.

Em Kiên Văn Đoàn (17 tuổi, cháu ngoại của chồng bà Dung) là con trai đầu lòng của chị Nguyễn Thị Kiều (35 tuổi, con gái lớn của chồng bà Dung). Sinh ra được 5 tháng thì phát hiện em bị bại não, gia đình hai bên nội ngoại đều không ai nhận nuôi. Bố mẹ Đoàn không lâu sau cũng đường ai lấy đi, cả 2 đều đã lập gia đình mới.

“Hồi nó bắt đầu biết bò, vì muốn con được ở gần mẹ nên tôi bảo mẹ nó đón về nhà ngoại nuôi, được vài tuần thì tôi sang chơi, thấy cháu bị cột trước hiên nhà. Thương quá, tôi lại xin cháu về nuôi tới giờ. Mỗi lần cháu ốm tôi lại gọi điện báo cho bố mẹ nó đến thăm con nhưng cũng chẳng ai về. Gần đây liên lạc, chúng nó cũng không thèm bắt máy nữa” - bà Dung kể.

Người mẹ kế hơn 30 năm chăm sóc con chồng, giờ vẫn ngày ngày chăm cháu chồng bại não - Hình 2

Ngày nào bà Dung cũng dọn dẹp sạch sẽ “căn nhà nhỏ” của Đoàn.

Đoàn không biết nói và cũng không nhận thức được hành vi của mình, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt, đi vệ sinh bà Dung đều phải lo. Dù năm nay đã 17 tuổi nhưng Đoàn vẫn phải nằm một chỗ. Càng lớn cơ thể em càng nặng hơn, bà Dung lại càng có tuổi nên sức khỏe ngày một yếu đi, việc chăm sóc cho Đoàn trở nên khó khăn hơn.

Đoàn lớn lên trong tình thương của ông bà Dung. Dù em không thể nói chuyện, không nhận thức được mọi chuyện nhưng em cũng biết thể hiện tình cảm của mình với người đã ngày đêm chăm sóc mình.

Bà Dung bảo: “Chỉ có tôi cho ăn cho uống nó mới ăn thôi, có nhiều lần tụi nhỏ về chơi, tôi có việc  ra ngoài, mấy đứa ở nhà thay tôi cho cháu ăn nhưng nó không ăn, đợi tôi về. Thấy vậy nên sau này tôi không dám bỏ cháu đi đâu xa nữa.

Từ lúc chăm sóc cho cháu tôi chẳng đi làm gì được, 2 bà cháu cứ quanh quẩn ở nhà chơi với nhau. Chồng tôi đi làm tối về nhà ăn cơm rồi lại ra quán ngủ trông cửa hàng, thấy 2 bà cháu buồn nên ông ấy mua mấy con vịt, con lợn để tôi nuôi cho vui”.

Do nhà cạnh bờ sông, có lần bà Dung bận việc không để ý tới cháu khiến Đoàn suýt chết đuối. Từ đó vợ chồng bà Dung đặt làm cái lồng sắt để Đoàn sinh hoạt trong đó. Ngày nào bà Dung cũng dọn dẹp sạch sẽ cho “căn nhà nhỏ” của cháu. Tối đến, sợ Đoàn bị muối cắn bà Dung trải đệm, buông màn cho cháu nằm.

Nhiều người không biết chuyện trách bà Dung nuôi nhốt cháu nhưng vợ chồng bà Dung đều hiểu, họ yêu thương Đoàn như con của mình, lo cho em từng miếng ăn giấc ngủ. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có lẽ, tình yêu thương của người phụ nữ này chưa bao giờ vơi cạn.

Hải Nam _ Trịnh Uyên