Lập lờ thương hiệu để bán đất
Ngày 23/11 mới đây, Công ty cổ phần Him Lam cho biết thời gian gần đây công ty nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc về các dự án mang tên Him Lam Bình Chánh, Him Lam Nam Sài Gòn… trên địa bàn TP.HCM.
Thông tin về các dự án này được cung cấp bởi một số nhân viên môi giới bất động sản tự do thông qua hình thức phát tờ rơi quảng cáo, liên hệ qua điện thoại… Đặc biệt, ngày 18/11, lễ khai trương mở bán dự án Him Lam Bình Chánh và Him Lam Nam Sài Gòn được tổ chức công bố và bán tại Trung tâm hội nghị 7 Kỳ Quan
Sau khi tìm hiểu và tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng, Công ty Him Lam khẳng định, việc các đơn vị cố ý đặt tên, mở bán sản phẩm với tên gọi Him Lam Bình Chánh, Him Lam Nam Sài Gòn… là hành vi “mạo danh”, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu độc quyền của Công ty cổ phần Him Lam. Công ty cổ phần Him Lam sẽ làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Công ty cổ phần Him Lam bị cò đất mạo danh. (Ảnh TN)
Hiện nay, Công ty cổ phần Him Lam không hề triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên Him Lam Bình Chánh hay Him Lam Nam Sài Gòn tại khu vực huyện Bình Chánh. Công ty cổ phần Him Lam và các đối tác liên kết bán hàng chưa bao giờ và không bao giờ phát tờ rơi để giới thiệu dự án và để bán sản phẩm nhà đất của Công ty.
Trước đó Công ty Him Lam Land cũng đã phát đi thông báo về việc bị một số công ty môi giới “cò đất” mạo danh để lừa bán đất nền tại dự án khu dân cư Him Lam 2 tọa lạc tại vị trí giao cắt giữa đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Không chỉ có Him Lam mà một số doanh nghiệp tên tuổi có uy tín trong làng bất động sản cũng bị mạo nhận như trên trong đó có CTCP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (tập đoàn Hưng Thịnh Corp). Vụ việc xảy ra tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do Công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư. Hưng Thịnh Corp dù không phải là chủ đầu tư của dự án trên nhưng cũng đã bị vạ lây. Sự việc khiến đơn vị này phải phát thông báo trên website cho biết công ty không có bất cứ liên quan tới CTCP Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group (trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TPHCM).
Cũng trong cuối tháng 9-2018, Tập đoàn Đại Phúc cũng gửi các văn bản thông báo đến cơ quan chức năng và người dân để cảnh báo về việc hiện nay trên thị trường có một số đối tượng sử dụng hình ảnh dự án Khu đô thị Vạn Phúc của đơn vị này rồi rao bán, dẫn dụ người dân trao đổi mua bán.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long (Tập đoàn Nam Long), đã phát đi thông báo về việc tập đoàn này sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp theo luật định để giải quyết hành vi vi phạm nhãn hiệu độc quyền của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) và bất kỳ đơn vị có hành vi vi phạm tương tự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng cũng như uy tín và lợi ích của Tập đoàn Nam Long.
Ngoài các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã từng bị nhái thương hiệu khi một người tại TP.HCM lập ra công ty mang tên Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Dầu khí Petroconex để bán dự án bất động sản dạng phân lô bán nền tại quận 7…
Cần chế tài xử lý mạnh tay
Dựa vào số điện thoại in trên tờ rơi “Lễ mở bán KDC Him Lam An Phú Tây” phóng viên điện thoại đến số điện thoại 0903001229 cho nhân viên Tường Vy để tìm hiểu, được nhân viên tư vấn đây là dựa án đất nền xây dựng tự do. Khi được hỏi “Có phải Công ty Him Lam làm chủ đầu tư dự án không?”, nhân viên này trả lời Tập đoàn Him Lam là đơn vị “hợp tác” để xây dựng các tiện ích trong dự án như TTTM, trường học, công viên.
Các tờ rơi quảng cáo bất động sản giả mạo Công ty Him Lam
Điện thoại đến tờ rơi quảng cáo dự án “Him Lam Nam Sài Gòn” được nhân viên tên Hải Đăng cho biết dự án này của “Tập đoàn Him Lam chỗ anh Minh làm chủ đầu tư” và Đăng là nhân viên của Công ty Him Lam! Nhân viên này cho biết thêm, ngày 24/11 tới công ty sẽ tổ chức sự kiện giới tiệu dự án tại nhà hàng 7 Kỳ quan gần Metro Bình Phú.
Về những thông tin trên, đại diện Tập đoàn Him Lam cho biết hoàn toàn không đúng, đây là hành vi lợi dụng uy tín của Him Lam để lừa dối khách hàng, công ty đang nhờ cơ quan công an làm rõ các nội dung trên. Trong khi đó theo đại diện Tập đoàn Đại Phúc, các đơn vị, cá nhân tự xưng là nhà phân phối độc quyền của Đại Phúc, đưa ra mức giá 12-13 triệu đồng/m2 gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, thương hiệu và uy tín của dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Về vấn đề trên, giám đốc một công ty chuyên phân phối dự án BĐS trên địa bàn TPHCM cho biết, việc lừa đảo mạo danh các dự án của doanh nghiệp bất động sản diễn ra rất nhiều. Các dự án đối tượng giả mạo thường của các doanh nghiệp uy tín, sản phẩm đã hình thành và được nhiều người biết đến. Họ lấy các hình ảnh để quảng bá, thậm chí hạ giá thành để người mua ham rẻ và đến tìm hiểu sẽ đưa đến các khu vực xa ngoại thành, khác xa những với những gì quảng cáo, sau đó nhận tiền cọc rồi bỏ trốn.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, vấn nạn hàng giả, mạo danh xảy ra nhiều tại lĩnh vực trong đời sống, tuy nhiên điều lạ là trong lĩnh vực bất động sản, thì những hành vi này lại mặc sức lộng hành. Đối tượng vi phạm thường là một số công ty môi giới và phần nhiều là cá nhân các nhân viên môi giới tự thực hiện chiêu nhằm chèo kéo khách riêng. Nhiều người mua nhà tố việc quảng cáo, giới thiệu hoặc mạo danh nhưng lại ít thấy các chủ đầu tư này lên tiếng hoặc có những hành động kịp thời để loại trừ các hành vi vi phạm này.
Chính vì vậy, lĩnh vực bất động sản trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cá nhân môi giới mặc sức tung hoành, ăn theo các thương hiệu lớn để chiêu dụ người tiêu dùng. Chỉ cần vài triệu đồng, một môi giới đã có thể lập một website mạo danh chủ đầu tư rồi thả sức quảng cáo trên google, gọi điện, nhắn tin… như một chủ đầu tư chuyên nghiệp. Sự việc này không mới nhưng dường như các chủ đầu tư vẫn không có động thái tích cực nào để “dẹp loạn”, để mặc người mua tự đương đầu với những cạm bẫy giăng khắp nơi.
“Trước đây, những hành vi nhái thương hiệu thường được thực hiện qua việc gọi điện thoại, gửi email, dán tờ quảng cáo nơi công cộng, phát tờ rơi. Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ và việc sử dụng nhiều thế hệ điện thoại thông minh có thể truy cập internet, các mạng xã hội phát triển (facebook, zalo, viber,….) thì đang bùng phát các hành vi một vài cá nhân mạo danh chủ đầu tư, doanh nghiệp khác và cả ngân hàng”, luật sư Phượng nói.
Để bảo vệ thương hiệu của mình, ông Phượng cho rằng, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu công ty, nhãn hiệu cho dự án để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đây là cơ sở pháp lý không thể thiếu trong quá trình bảo vệ thương hiệu. Ở phương diện chung, tùy theo hình thức vi phạm và cơ sở pháp lý của thương hiệu, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp xử lý tương ứng.
Trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự. Có thể căn cứ vào Điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hải Đăng