Lễ hội Kinh Dương Vương là lễ hội truyền thống đã được lưu truyền từ ngàn đời nay, thể hiện nét văn hóa, đạo lý cao đẹp uống nước nhớ nguồn của nhân dân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên đã có công khai thiên lập quốc.
Tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương là dịp để người dân thể hiện mong ước của mình, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và như một lời nhắc nhở mỗi người con Việt Nam đoàn kết một lòng, chiến thắng mọi gian nan thử thách, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày một phát triển hơn.
Năm nay, Lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra trong ba ngày từ ngày 20-22/2 (ngày 16-18 tháng Giêng). Phần lễ gồm hoạt động rước nước từ Đền xuống Lăng Kinh Dương Vương về thờ; rước kiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ Đền xuống Lăng làm lễ và tế theo các nghi thức cung đình...
Các đại biểu dâng hương tại Lăng Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương
Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cùng các trò chơi dân gian được tái hiện lại một cách chân thực mà đầy sống động như sân khấu hát tuồng, múa rối nước, hát trống quân, hát quan họ, hát ca trù; tổ chức giải bóng chuyền, giải vật, thi và trưng bày gà Hồ...
Theo truyền thuyết và các tài liệu lịch sử, năm 2879 (TCN), Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương lập Nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân; Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra Vua Hùng. Xuyên suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương (Á Lữ, Đại Đồng Thành, Thuận Thành) luôn được coi là nơi thờ Đế vương được các triều đại phong kiến và nhân dân thờ phụng.
Được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ Nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thủy tổ dân tộc Việt Nam được trùng tu và đặt văn bia.
Khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương là những dấu tích lịch sử còn lưu lại gắn liền với câu đối: "Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), "Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), "Bách Việt Tổ” (Vua tổ nước Nam)... là cả một giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Để khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong việc phụng thờ các vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam, Khu Di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được tỉnh Bắc Ninh quy hoạch với diện tích trên 30ha với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Từ đó cho đến nay khu di tích không ngừng tiếp tục hoàn chỉnh khu Lăng rộng rãi, tôn nghiêm nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái của các phật tử và du khách thập phương.
Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức hàng năm thể hiện nét văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nơi hội tụ con cháu Lạc Hồng; kết nối cội nguồn dân tộc, nhắc nhở các thế hệ luôn nhớ về tổ tông.
Nguyễn Loan