Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam và Pháp có mối liên kết về lịch sử, văn hóa và giao lưu nhân dân. Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Pháp, quốc gia có vị trí và vai trò quan trọng ở Châu Âu và trên thế giới.

“Chúng tôi vui mừng nhận thấy trong nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt – Pháp ghi nhận những bước tiến triển rất tốt đẹp trên hầu khắp các lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, khoa học công nghệ, y tế và giao lưu nhân dân, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào quan hệ Việt – Pháp, vào tiềm năng hợp tác giữa hai nước, cũng như tiềm năng trong quan hệ giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU). Ở cấp độ khu vực, Pháp đã trở thành một đối tác phát triển của ASEAN từ 2020. ASEAN đã nâng cấp quan hệ với EU lên Đối tác chiến lược từ tháng 06/2021, tạo cơ sở quan trọng để giúp quan hệ Việt Nam và Pháp có những bước phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Thu Loan)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Thu Loan)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023 là một năm đặc biệt, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 quan hệ Đối tác chiến lược.

“Tôi tin tưởng sau 50 năm qua, với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, nỗ lực của nhân dân Pháp và Việt Nam, chúng ta sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực hơn nữa. Đây cũng là dịp để nhân dân hai nước thể hiện tình cảm tốt đẹp và tinh thần hợp tác của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher nói rằng Pháp và Việt Nam có một giai đoạn lịch sử chung phong phú đa dạng, dù có những khúc quanh và cả những đau thương. Năm sau, hai bên kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện mà sau đó hai bên đã tìm ra con đường chung.

Ông Larcher cho rằng, điều đặc biệt là dù hai dân tộc không lãng quên điều gì, không chối bỏ quá khứ nhưng đều đã vượt lên sự khác biệt, bất đồng để hướng tới tương lai, để cùng tạo nên một câu chuyện khác.

Ông nhắc lại câu nói của tướng Charles De Gaulle tại Phnom Penh ngày 01/09/1966: “Chắc chắn không có chuyện các dân tộc châu Á quy thuận luật lệ của ngoại bang đến từ bên kia đại dương, cho dù ý định của kẻ đó là gì, cho dù sức mạnh vũ khí của kẻ đó ra sao”.

Trong bối cảnh ngày nay, ông Larcher muốn bổ sung thêm: “Chắc chắn không có chuyện các dân tộc Châu Á hay bất kỳ đâu quy thuận luật lệ của kẻ ngoại bang, cho dù kẻ đó là ai”.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (Ảnh: Thu Loan)
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (Ảnh: Thu Loan)

Chủ tịch Thượng viện Pháp cho rằng câu chuyện năm 1966 đó giúp hiểu được ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 và sự kiện hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 04/1973.

Trong 05 thập kỷ qua, nhiều Tổng thống Pháp đã thăm Việt Nam.

Năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterand khi đó trở thành nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam. Năm 1997, Tổng thống Jacques Chirac dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối Pháp ngữ tại Hà Nội, rồi quay lại vào năm 2004 để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Ông Chirac là người si mê nền văn hóa và văn minh Việt Nam. Năm 2016, Tổng thống Francoise Hollande sang Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược mà hai bên thiết lập năm 2013.

“Trong thời gian tới, chúng ta cũng hy vọng có một chuyến thăm của Tổng thống Pháp sang Việt Nam”, ông nói.

Chủ tịch Thượng viện Pháp cho rằng, những sự kiện đó “ảnh hưởng lên mối quan hệ song phương hôm nay và sẽ còn chỉ đường cho chúng ta trong tương lai”.

Ông cho biết, quan hệ hai nước đang được thúc đẩy trong các lĩnh vực kinh tế, chống biến đối khí hậu, giáo dục, y tế, di sản, cùng với quan điểm tương đồng trong các vấn đề an ninh và ổn định, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.

“Giữa hai nước có biết bao nhiêu điểm tương đồng, chúng ta chia sẻ những giá trị văn hóa, những mối liên kết chặt chẽ, hấp dẫn và si mê. Có thể ví von một cách hình ảnh, đó là vũ điệu giữa hai người si mê vì nhau”, ông nói.

Theo Tiền Phong