Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp, phong tục văn hóa đầu xuân, tạo sức lan tỏa sâu rộng khắp các cấp, các ngành, các đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện mỗi dịp Tết đến, xuân về, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Kế hoạch trồng cây phân tán năm 2024, nhằm cụ thể hóa sáng kiến “Trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới” của Thủ tướng Chính phủ phát động tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ; tuyên truyền, giáo dục mục đích, ý nghĩa của trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về tác dụng của rừng, trồng cây phân tán, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; gắn với chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2024, toàn huyện phấn đấu trồng 232.000 cây xanh phân tán. Trong đó, tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn khoảng 120.000 cây xanh gồm các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây Osaka và cây hoa ban được trồng tại công sở, trường học, nhà văn hóa, các trục đường giao thông, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đất trống đã được quy hoạch trồng cây... Mục tiêu mỗi cán bộ trồng ít nhất 1 cây và mỗi hộ trồng ít nhất một cây và “Trồng cây nào sống cây đó”, không tổ chức hình thức gây tốn kém, lãng phí.
Ngay sau Lễ phát động Tết trồng cây, các đồng chí lãnh đạo huyện, cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, Nhân dân và học sinh, giáo viên ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã đồng loạt trồng cây tại các khu công sở, trục đường chính, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Khánh An