Ngày 24/10, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan Ca trù toàn quốc năm nay sẽ có sự tham gia của 13 tỉnh, thành có di sản ca trù như: Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Các chương trình tham gia Liên hoan sẽ gồm một phần nội dung bắt buộc và một phần nội dung không bắt buộc.
Ban tổ chức thông tin tại buổi họp báo
Với nội dung chương trình bắt buộc, mỗi đoàn sẽ xây dựng một chương trình tham gia Liên hoan, trong đó phải trình bày tối thiếu 3/15 thể cách quy định bắt buộc, 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ (có thể được hát bằng 1/3 thể cách bắt buộc đã chọn). Phần còn lại của chương trình là các tiết mục tự chọn, thể hiện những nét đặc trưng độc đáo của địa phương.
Phần nội dung chương trình không bắt buộc là phần thi “Tài năng ca trù 2018”. Đối tượng dự thi là các đào nương, kép đàn, quan viên; quy định độ tuổi từ 15- 55 tuổi. Ở phần này, các đoàn có thể đăng ký tham gia hoặc không.
(Ảnh minh họa)
Kết quả của Liên hoan cũng sẽ là một trong những cơ sở dữ liệu để tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản hát ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Ca trù chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ tháng 10/2009. Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 do Viện Âm nhạc, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ VN cam kết thực hiện trong Hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO. Liên hoan là cơ hội tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng Ca trù và báo cáo thực trạng sức sống của Ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại. Qua đó, Liên hoan nhằm khẳng định việc Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt những kết quả thiết thực trong chương trình hành động Quốc gia đã cam kết với UNESCO về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù.
Hằng Vương