Chuỗi cung ứng là hệ thống tổ chức, con người, hoạt động thông tin và nguồn lực liên quan tới chu chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung ứng đến khách hàng.

Nhiều tập đoàn lớn với thương hiệu toàn cầu lồng ghép các quy tắc ứng xử và hướng dẫn vào văn hóa công ty và hệ thống quản trị doanh nghiệp, đề ra các tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng.

Liên kết giữa DN FDI với DN Việt Nam theo chuỗi cung ứng còn hạn chế - Hình 1

Ảnh minh họa

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn là điều xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam, được thể hiện:

Năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 213,77 tỷ USD, đứng thứ 25 thế giới, tăng 21,1%, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu  đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 424,87 tỷ USD.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, năm 2017 Việt Nam đã vượt qua Hongkong trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, tăng 3 bậc so với năm 2014. Theo dự báo của KITA, Việt Nam sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020 với kim ngạch 100 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may từ 15,8 tỷ USD năm 2011 tăng lên 31 tỷ USD năm 2017; Việt Nam chiếm 4% kim ngạch dêt may thế giới, đứng hàng đầu về năng suất lao động của những nước xuất khẩu mặt hàng này (nhận định của Hiệp hội Dệt may).

Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như điện thoại di động, smartphone, máy tính bảng. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, tăng 32%, máy  tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,94 tỷ USD tăng 36,9% so với 2016.

Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp như hồ tiêu, cà phê, gạo, thủy sản; năm 2017 xuất khẩu 40 loại rau quả sang 60 nước với kim ngạch 3,5 tỷ USD.

Tuy vây, một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, DN trong nước ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất. Ba ví dụ điển hình là xe máy, dệt may và da giày.

Việt Nam đã trở thành nước sản xuất xe máy quy mô lớn với 3,2- 3,5 triệu chiếc/năm; 80% linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, nhưng phần lớn là do doanh nghiệp FDI thực hiện, doanh nghiệp trong nước mới sản xuất được ăc quy, phụ tùng bằng nhựa. Công ty Honda chiếm khoảng 60% sản lượng xe máy, có 110 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 23 doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Honda đối với nhà cung ứng về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp.

Ngành dệt may Việt Nam đã cố gắng  nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ; tuy vậy đang đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần Việt Nam tại các thị trường lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Vũ Đức Giang cho rằng, do thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau đã làm cho năng lực cạnh tranh của ngành dệt may bị hạn chế. Để đảm bảo xuất khẩu bền vững, cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời coi trọng thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của da giày, túi xách đạt 17,93 tỷ USD, tăng 10,7%, trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8%; túi cặp, vali các loại đạt 3,26 tỷ USD, tăng 2%. Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 80,5% đối với giày dép và 81,1% đối với túi xách.

Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân nhận định: Ngành da giày và túi xách  đối diện với 4 thách thức lớn: phí nhân công cao, xu thế áp dụng tự động hóa, chính sách bảo hộ mậu dịch và sự cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh.

Qua khảo sát của Lefaso, hiện nay 75% doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng tự động hoá, chỉ 25% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% có kế hoạch xây dựng.

Liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là vấn đề thời sự khi nước ta chuyển sang giai đoạn mới lấy chất lượng và hiệu quả làm mục tiêu quan trọng của thu hút FDI.

Nghị định 103/2013 của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ xây dựng chính sách và luật pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm cho doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng tiếc là, sau 5 năm nước ta vẫn chưa có chính sách và giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó.

Doanh nghiệp FDI không tự tạo ra sự kết nối với doanh nghiệp trong nước bởi vì khi đến đầu tư tại nước ta họ mang theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; trong khi doanh nghiệp trong nước chưa đắp ứng tiêu chuẩn và thiếu kinh nghiệm kết nối với doanh nghiệp FDI.

Trong trường hợp dệt may, da giày tuy đã liên kết ngay từ khi các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng chỉ tham gia ở các khâu có giá trị gia tăng thấp; mặc dù mối liên kết theo chuỗi cung ứng đã có thâm niên 20 - 30 năm nhưng do chưa có chính sách khuyến khích, chưa đầu tư có hiệu quả vào xây dựng thương hiệu, công nghệ, mẫu mã và thiếu các nhà cung ứng đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng, như dệt nhuộm cho may mặc, thuộc da cho da giày.

Kết quả khảo sát của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế do (i) Thiếu nhà cung ứng đầu vào có đủ năng lực; (ii) Thiếu thông tin về các doanh nghiệp có thể làm công nghiệp hỗ trợ; (iii) Doanh nghiệp FDI phải đầu tư để nâng cấp doanh nghiệp trong nước có tiềm năng và (iv) Chậm xây dựng các cụm công  nghiệp hỗ trợ.

Những năm gần đây đã có nhiều sáng kiến về việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, điển hình là tập đoàn Samsung.

Từ tháng 9/2015 đến giữa năm 2016, Samsung đã triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho 9 công ty Việt Nam trong ba tháng. Chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng linh kiện, phụ kiện cho nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Sau ba tháng được chuyên gia Samsung tư vấn cả 9 công ty đều đủ tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng (vendor) cấp I của Samsung. Công ty Goldsun có tỷ lệ hàng tồn kho giảm hơn 60%, tỷ lệ lỗi thiết bị giảm 72%, trong khi tỷ lệ sản xuất chính xác tăng từ 0% lên 94%; Công ty Mida hiệu suất tổng hợp thiết bị tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỷ lệ hàng tồn kho giảm 54%.

Nhờ sự hợp tác chân thành của Samsung, đến cuối năm 2017 Samsung đã có hơn 200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là DN Việt Nam,trong đó có 29 vendor cấp I, dự kiến năm 2020, có 50 vendor cấp I. Hiện nay, Samsung đang hợp tác với Bộ Công thương bồi dưỡng khoảng 200 chuyên gia Việt Nam để làm tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Từ kinh nghiệm hợp tác thành công giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với tập đoàn Samsung có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu (i) Tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với TNCs đang kinh doanh tại Việt Nam; (ii) Coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp; (iii) Doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó ngày càng có nhiều DNVN tham gia các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng có hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua mối liên kết với doanh nghiệp FDI cần có cách tiếp cận mới, hệ thống giải pháp có tính chiến lược với sự phối hợp hành động giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.

Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, trên cơ sở đó hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp nhằm tăng nhanh  tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trên cơ sở đó, cần rà soát các quyết định có liên quan, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để thúc đẩy việc mở rộng mối liên kết.

Chính sách thuế cần trả lời câu hỏi làm gì để thuế tác động đến đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra năng suất cao hơn của các ngành và lĩnh vực kinh tế.

Trước thực trạng đại bộ phận doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chính sách thuế vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo điều kiện tích tụ vốn để tái sản xuất mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với khấu hao tài sản cố định, hệ thống thuế cần khuyến khích “khấu hao nhanh” đối với công nghệ hiện đại để thúc đẩy nhanh chóng quá trình đổi mới công nghệ.

Trong điều kiện sáng kiến, phát minh, chuyển giao công nghệ gia tăng nhanh chóng, để rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng thì cần hình thành thị trường công nghệ được tổ chức và điều hành có hiệu quả; đây là vấn đề đã có chủ trương nhưng chưa được triển khai tốt. 

Để cuộc cách mạng khoa học & công nghệ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, cần sơ kết để cải tiến cơ chế hoạt động của các quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ, vườn ươm công nghệ, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tác động mạnh mẽ hơn đối với doanh nghiệp.

Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào như công  nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp đều có những điển hình tốt thể hiện sức sáng tạo của người lao động và doanh nhân, đáng tiếc là trong khi có quá nhiều lễ vinh danh thì có quá ít việc tổng kết, nhân rộng điển hình để cải thiện nhanh chóng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đối với khu vực FDI, Nhà nước cần có chính sách và cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính đối với những doanh nghiệp FDI có nhiều doanh nghiệp trong nước làm công nghiệp hỗ trợ là nhà cung ứng cấp I; khuyến khích các sáng kiến hợp tác tư vấn như của Samsung để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước đáp ứng đòi hỏi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, áp dụng chính sách ưu đãi thuế và tài chính đối với doanh nghiệp Việt Nam là vendor cấp I như đối với doanh nghiệp FDI.

Chủ trương xây dựng các cụm công nghiệp hỗ trợ đang triển khai chưa đạt được kết quả mong đợi, cần từ thực trạng tình hình để có sự điều chỉnh về chính sách và tổ chức, quản lý.

Hệ thống thông tin về doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI đã được xây dựng, đang được nâng cấp, cần sớm hoàn thiện để tạo điều kiện về thông tin liên kết giữa daonh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng mở rộng, doanh nghiệp không có con đường nào khác là đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và từng bước tích tụ vốn để tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải tiếp cận với tư duy quản lý theo hướng hiện đại, coi trọng chất lượng và hiệu quả, xây dựng lòng tin với đối tác và gây dựng uy tín của doanh nghiệp, chẳng hạn trong việc trả lương và thu nhập người lao động cần dựa trên hiệu quả sử dụng lao động, không thể kéo dài tình trạng nhân công giá rẻ, mà phải nâng cao thu nhập để tạo ra năng suất lao động cao hơn và chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ trong vòng một thập niên đã trở thành tập đoàn kinh tế mạnh như Vingroup, Suungroup, Đèo Cả là do người lãnh đạo doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, tư duy đúng trong quản trị doanh nghiệp, có định hướng chiến lược thích ứng với từng giai đoạn phát triển, tạo lập được thương hiệu có uy tín trong nước và thế giới.

Trong điều kiện Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế, việc thay đối định hướng và chính sách thu hút FDI chắc chắn sẽ có thêm nhiều TNCs hoạt động đầu tư và kinh doanh tại nước ta; đó là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Biến cơ hội đó thành hiện thực phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ cán bộ quản trị, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp. Tự tin và chủ dộng trong tiếp cận với doanh nghiệp lớn, TNCs để tạo mối quan hệ hợp tác trong ký kết và thực hiện hợp đồng, từng bước tạo chỗ đứng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của từng tập đoàn là con đường dẫn tới thành công của các doanh nghiệp.

Trong kinh tế thị trường, hiệp hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phân công và hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm. Trên thực tế, nhiều hiệp hội như dệt may, da giày, túi xách, lương thực, thúy sản, hồ tiêu đã thu được kết quả trong việc đề ra chiến lược kinh doanh, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm đối tác và thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, kiến nghị với nhà nước về chính sách, cơ chế đối với từng loại sản phẩm, tuy vậy, như nhận định của nhiều hiệp hội thì mối liên kết theo chuỗi cung ứng vẫn còn vấn đề về công nghệ, chất lượng, giá cả và quy trình cần được giải quyết.

Mỗi hiệp hội nghề nghiệp có mục tiêu và hoạt động riêng, nhưng có mối quan hệ hổ trợ tạo điều kiện phát triển, ví dụ quan hệ giữa Hiệp hội Ngân hàng với các hiệp hội nghề nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, tạo vốn cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; quan hệ giữa Hiệp hội Tư vấn thuế với các hiệp hội nghề nghiệp về tiếp cận hệ thống thuế, cũng như hợp tác trong việc kiến nghị với nhà nước đối với việc xây dựng hệ thống thuế theo hướng “khoan sức dân” để tạo điều kiện tích tụ vốn mở rộng quy mô của doanh nghiệp.

Các hiệp hội mong Quốc hội sớm ban hành luật về hiệp hội để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ chức nghề nghiệp, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và tác dụng của hiệp hội.

Thời cuộc đang đòi hỏi tư duy đổi mới để có cách tiếp cận đúng của các nhà hoạch định chính sách trong việc hình thành và thực thi thể chế, của các nhà quản trị doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp để có được những giải pháp mới thích ứng với đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Hạnh Nguyên