TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam.
PV: Đánh giá của ông về vai trò của báo chí trong phát triển kinh tế thời gian gần đây?
Ông Trần Bá Dung: Báo chí có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Vai trò đó thể hiện trên nhiều mặt.
Thứ nhất, báo chí là kênh phản ánh và cung cấp thông tin các hoạt động kinh tế, giúp những người tiếp nhận thông tin xử lý theo nhu cầu của mình. Đối với người sản xuất, xử lý theo nhu cầu của người sản xuất. Đối với khách hàng, xử lý theo nhu cầu của một khách hàng. Với nhà doanh nghiệp, các ông chủ, họ tìm kiếm thông tin thị trường thông qua báo chí để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt đối với nhà quản lý thì báo chí là kênh thông tin để nắm bắt tình hình, xu hướng, để từ đó ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách kinh tế.
Thứ hai, báo chí là kênh phản biện các chính sách kinh tế của Nhà nước, của từng địa phương. Chỉ có phản biện trên báo chí mới là cách phản biện xã hội rộng rãi nhất. Các chính sách kinh tế như BOT, BT đều chịu sự phản biện của báo chí. Vai trò phản biện của báo chí đối với các chủ trương, chính sách kinh tế là đi đầu, bên cạnh phản biện từ các chuyên gia.
Thứ ba, trên mặt chung của cả nền kinh tế thì thông tin kinh tế từ báo chí chính là thông tin để tìm hiểu những mô hình làm ăn, các gương mặt cá nhân, tổ chức làm kinh tế điển hình để học hỏi.
Thứ tư, thông tin kinh tế trên báo chí còn là thông tin về đối tác, đối thủ trong thời buổi nền kinh tế mở và hội nhập nhưng cũng đầy cạnh tranh.
Cuối cùng, thông tin trên báo chí còn cung cấp, còn tác động tới cả đạo đức kinh doanh của các doanh nhân, các nhà kinh tế.
PV: Những năm vừa qua, báo chí đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
Ông Trần Bá Dung: Đối với doanh nghiệp, báo chí có vai trò đặc biệt. Báo chí không chỉ là người bạn đồng hành của doanh nghiệp mà doanh nghiệp và báo chí còn hỗ trợ cho nhau. Không có một cơ quan báo chí nào không cần đến sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhất là những tờ báo tự chủ về tài chính, kinh tế. Kể cả những tờ báo tự chủ một phần hay hoàn toàn được bao cấp cũng cần đến sự hỗ trợ vật chất từ doanh nghiệp.
Báo chí và doanh nghiệp là bạn đồng hành nghĩa là đi cùng con đường phát triển. Báo chí phản ánh hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nơi cung cấp thông tin cho báo chí. Không có doanh nghiệp, không có sản xuất thì báo chí lấy đâu nguồn tin để đưa tin?
Báo chí là thông tin kinh tế, xã hội, kể cả thông tin chính trị trên báo chí cũng rất cần cho doanh nhân. Doanh nhân tìm kiếm thông tin liên quan đến thị trường, khách hàng, sản phẩm. Thông tin kinh tế trên báo chí có ảnh hưởng lớn và phần nào quyết định chiến lược kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp.
Báo chí còn là kênh hữu hiệu để truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bao giờ cũng có nhu cầu quảng bá sản phẩm, tìm đối tác làm ăn thông qua kênh báo chí, ngoài kênh riêng của mình. Cùng một đối tượng công chúng, khách hàng, sản phẩm cùng phân khúc, nếu đối tác, đối thủ họ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện truyền thông, báo chí mà doanh nghiệp mình không làm là đánh mất cơ hội, bỏ trống thị trường và có thể phải tự rút lui khỏi thị trường.
Ngoài kênh thông tin, báo chí còn là một kênh phản biện các doanh nghiệp, vừa biểu dương những điển hình tốt trong làm ăn nhưng cũng là nơi phê phán, đấu tranh, lên án những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn không tốt, vi phạm pháp luật như phá hoại môi trường, làm hàng giả hàng rởm, lừa đảo khách hàng, sản phẩm không như quảng cáo…
PV: Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng thì thời gian tới báo chí cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Trần Bá Dung: Theo tôi, báo chí cần tập trung 3 vấn đề:
Thứ nhất, cần nhân thức đúng vai trò của báo chí, truỳen thông đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đó là quan hệ tương hỗ và là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, hai bên cùng có lợi. Báo chí, truyền thông góp phần to lớn vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Hơn nữa cần coi báo chí là động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Báo chí, truyền thông góp phần quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, tăng cường sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia trực tiếp vào quản lý phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Báo chí là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, tệ nạn xã hội. Hơn 70% các vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện, xử lý là do báo chí, truyền thông phát hiện. Báo chí góp phần răn đe, cảnh báo, ngăn chặn một phần tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Trong thời đại công nghiệp 4.0, báo chí, truyền thông còn là trường học xã hội rọng lớn cho nhân dân, cho các doanh nhân, tôn vinh các giá trị dân tộc, nhân văn tốt đẹp, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam…
Thứ hai, cần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng viết về kinh tế cho các nhà báo. Viết báo về kinh tê, về doanh nghiệp, là làm báo chuyên biệt, có những đòi hỏi, yêu cầu riêng về kiến thức kinh tế, lịch sử, chính trị, văn hóa,… Mặt khác, có những yêu cầu riêng về kĩ năng khai thác, xử lý thông tin kinh tế, thể hiện thông tin trong tác phẩm báo chí.
Thứ ba, cần trau dồi đạo đức nghề báo khi làm báo về kinh tế, về doanh nghiệp. Vì lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp là môi trường dễ có nhiều cám dỗ vật chất, nhà báo dễ lợi dụng và cũng dễ bị lợi dụng nhất nếu không có đạo đức nghề nghiệp. Thực tế đã chứng minh điều này rất rõ và rất nhiều./.
Bảo Ngọc (Theo báo Nhà đầu tư)