Viết cho ngày báo chí cách mạng Việt Nam - Hình 1

Những nghề trần gian còn lại một như: Coi nhà xác, mổ tử thi, quản ngục… qua con chữ hiện ra rõ ràng như những góc khuất của cuộc sống. Tôi bắt đầu mường tượng ra cái khổ của những nhà báo quăng mình vào điểm “nóng” đưa sinh động đời sống vào từng trang giấy.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề báo cũng có ngày vinh danh - ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). 

Những chiến sỹ cầm bút chống giặc ngoại xâm xuất hiện khá sớm trong sử Việt, cột mốc đáng nhớ nhất là bản “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, chép vào lá thả trôi sông, quân nhà Tống đọc được hồn xiêu phách lạc.

Nguyễn Đình Chiểu tuy mù nhưng ngòi bút của ông có sức mạnh phi thường, “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Bút chiến Hồ Chí Minh là đỉnh cao của báo chí cách mạng Việt Nam, thuở mới sang Pháp, người mưu sinh bằng nghề viết lách. Tờ “Dân chúng” của “Đảng xã hội Pháp” là nơi ghi dấu ấn những ngày đầu tiên trong đời làm báo vĩ đại của thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành.

Chủ bút tờ báo này là Jean Longuet, người cháu ngoại của Các Mác. Lúc này Bác chưa rành tiếng Pháp nên khẩn khoản nhờ luật sư Phan Văn Trường viết hộ, luật sư Trường không muốn chuyển tải hết những gì Bác muốn. Nên động lực để người thanh niên trẻ mang chí lớn học cách làm báo càng mãnh liệt.

Người đỡ đầu Bác trong nghiệp báo chính là chủ bút tờ “Dân chúng”, thoạt đầu Jean Longuet yêu cầu Bác viết ngắn gọn năm, sáu dòng, có thế nào viết thế ấy, chủ bút sẽ sửa trước khi đăng.

Những bài đầu tiên Bác chép thành hai bản, một bản gửi toà soạn một bản lưu lại, Người sung sướng vui mừng khi bài đầu tiên được đăng, đọc lại và đối chiếu những chổ viết sai, rút thành kinh nghiệm.

Khi thấy Bác viết chắc chơn, vị chủ bút yêu cầu viết dài ra độ bảy, tám dòng, dần dần có thể viết cả cột báo; rồi có đồng nghiệp khuyên Bác viết ngắn lại, Bác nhận ra rằng phải rút ngắn lại cũng khổ như khi viết dài ra. Bác đã thành công và bước vào làng báo từ đó.

Sau này, Bác làm báo chuyên nghiệp hơn với tờ “Nhân đạo” và “Đời sống thợ thuyền”. Viết từ truyện ngắn đến cả vở kịch mang tên “Rồng Tre” nhân dịp vua Khải Định sang Pháp nhằm đả phá chế độ phong kiến bạc nhược trước nỗi đau mất nước.

Ngoài làm báo viết, Bác còn đóng vai “nghệ sĩ nhiếp ảnh” - một nghề được chí sĩ Phan Chu Trinh truyền lại. Sự nghiệp viết lách của Người luôn theo sát mọi diễn biến thời cuộc cách mạng Việt Nam, kể cả lúc nước sôi lửa bỏng, cả lúc bị giam cầm vẫn không thôi sáng tác.

Báo chí Việt Nam có một quá khứ lừng lẫy, có lẽ bắt đầu từ khi dân tộc ta có chữ viết nhưng đạt đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Để sáng ngời truyền thống báo chí vì nhân dân không biết bao nhiêu phóng viên chiến trường đã ngã xuống dưới làn đạn chiến tranh.

Ngày nay, báo chí đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều người, hơn 850 cơ quan thông tấn, báo chí hợp pháp vẫn tiếp tục phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng nghề báo đã hằn lên những vết xước có nguy cơ làm mờ tấm gương tiền bối.

Dưới nhiều công cụ, báo chí phản cách mạng sinh sôi nảy nở, xã hội còn coi một bộ phận người làm nghề báo là “kền kền trên xác chết thông tin”. Thật đau lòng khi thỉnh thoảng lại hay tin đồng nghiệp dính bê bối tống tiền doanh nghiệp, cá nhân. Và cũng xót xa bội phần khi chứng kiến cảnh “sinh nghề tử nghiệp”.

Tôi thường nghe những cây đại thụ làng báo truyền cho kinh nghiệm, báo chí chỉ cần viết đúng, viết đủ là hay. Nhưng với nhiều “lá cải, lá muống” cái đúng, cái đủ đôi lúc không mang lại cơm áo gạo tiền cho người làm nghề.

Sự nhiệt tình quá đà của báo chí lắm lúc đẩy con người ta vào chân tường, dường như với những thành tựu của công nghệ thông tin khiến nhiều người làm báo “đóng cửa tác nghiệp”. Đó là nguồn cơn của “ma trận thông tin” làm rối ren tình hình.

Một lần tác nghiệp ở điểm “nóng” người viết từng nhận được cái xua tay lắc đầu của nhân chứng, người ta bảo “Thôi thôi, xin các anh! Tôi gặp phiền hà thế đủ rồi”.

Cái khước từ dứt khoát khiến tôi chạnh lòng ghê gớm, chẳng lẽ sức mạnh của báo chí rớt thảm hại vậy sao? Uy tín của những người đóng vai trò chuyển tải phản ánh thực tế mất mát nhiều vậy sao?

Nhưng tôi tin rằng, “kền kền thông tin” chỉ là một bộ phận nhỏ những “nhà báo”, “phóng viên” mang tư duy máy lạnh. Ngay trong lúc tôi ngồi ở một góc nhỏ giữa miền quê yên bình để viết bài này, hàng ngàn đồng nghiệp trên mọi miền đất nước đang lao vào hiểm nguy.

Để mỗi buổi sáng độc giả mở ra trang báo chào ngày mới khỏi “nhức mắt”, “hoang mang” trước thời cuộc; để những trang sử hào hùng của cha anh được viết tiếp. Không cần gì nhiều, chỉ cần cái TÂM, lửa đam mê của người làm nghề là đủ.

Bảo Ngọc (theoT/h)