Nhà thơ Vương Trọng công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội cho đến lúc về hưu. Trước khi có tấm thẻ hội viên hội Nhà văn Việt Nam thì ông đã sở hữu thẻ nhà báo từ lâu và đã từng nhận Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí”. Nhưng khi bạn đọc hỏi ông làm thơ hay làm báo dễ hơn, nhà thơ hóm hỉnh trả lời: “Làm cho giỏi thì cả hai đều khó, nhưng nếu làm dở thì làm thơ dễ hơn!”.

Theo nhà thơ Vương Trọng, bài báo dù dở đến mấy thì người viết cũng phải tìm hiểu thực tế, rồi sau đó mới viết, còn thơ dở thì trước khi viết chẳng phải chuẩn bị gì, trong khi viết cũng chẳng cần huy động gì. Hơn nữa, số chữ ít hơn, có khi chỉ vài ba chục chữ cũng gọi là xong một bài thơ, ít hao tổn nơ-ron thần kinh, đỡ tốn công cơ học. Và ông chứng minh bằng một thực tế rất sinh động: “Hơn 30 năm biên tập thơ tại một tờ báo văn nghệ, tôi thấy trong số bài cộng tác viên gửi đến, số bài thơ dở dễ viết hơn các bài báo dở phải lên tới con số hàng chục nghìn bài”.

Nhà báo có làm được thơ? - Hình 1

Có người lo sợ rằng viết báo nhiều thì hỏng mất hồn thơ. Nhưng với Vương Trọng thì ngược lại, nhờ quá trình thâm nhập để làm báo, có điều kiện chứng kiến những cảnh ngộ, những trạng huống gọi dậy hồn thơ và có được những bài thơ đầy xúc cảm nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự. Bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” được viết vào năm 1982 trong một lần nhà thơ đi thực tế có những câu xót xa: 

“Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây 

Ngẩng trời cao, cúi đất dày 

Cắn môi tay nắm bàn tay của mình 

Một vùng cồn bãi trống trênh 

Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề…”

Sau khi bài thơ được in trên báo, dư luận dấy lên vấn đề cần xây dựng lại mộ cụ Nguyễn Du và sau đó ngôi mộ của đại thi hào dân tộc đã được xây lại. Có thể nói, bài thơ đã gánh được một phần chức năng báo chí mà không hề… dở.

Có thời điểm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều “nắm” trong tay đến hàng chục tờ báo, ông giữ vai trò tổ chức, cố vấn, biên tập, viết bài… Gần như thời gian trong một ngày kín đặc bản thảo “bao vây”, cứ ngồi vào bàn là gõ phím rào rào. Bạn bè thắc mắc: Vậy thì ông làm thơ vào lúc nào? Nhà thơ thường nói đùa như thật: “Tôi làm thơ trong lúc đang ngồi họp”.

Lý giải cho việc tại sao một nhà thơ lại lao vào làm báo một cách hăng say đến thế, Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rất thành thật: Văn chương và báo chí là những lĩnh vực rất gần gũi với nhau, đều sử dụng thế mạnh của ngôn ngữ. Khi nhà thơ đi làm báo, họ có rất nhiều thuận lợi trong việc diễn đạt các vấn đề gai góc của báo chí một cách mềm mại và uyển chuyển bằng ngôn ngữ văn chương.

Nhưng bên cạnh đó có một thực tế mà chúng ta không thể không tính đến, đó là những lo toan về đời sống vật chất của các nhà thơ ở Việt Nam, đời sống còn nhiều khó khăn mà văn nghệ sĩ thường khó thành công ở những ngành nghề khác, cho nên báo chí được coi là một sự lựa chọn tối ưu nhất.

Tuy bản thân tôi cũng là một nhà thơ - nhà báo nhưng tôi nghĩ rằng giới nghệ sĩ vẫn chỉ nên tập trung vào việc viết văn, làm thơ. Nghề báo không làm hư hỏng người nghệ sĩ về mặt đạo đức nhưng nó tổn hại rất lớn đến công việc sáng tác. Có thể chúng ta thấy mình vẫn vừa đi làm báo vừa sáng tác đều đặn, nhưng thật ra nghề báo lấy đi của người nghệ sĩ rất nhiều thời gian và tinh lực.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn viết rất nhiều thể loại văn học: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng với ông luôn quan niệm “Thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là, có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.” 

Một trong những bài thơ được nhiều người nhớ và mỗi lần đọc đều rưng rưng nước mắt, bởi mỗi câu thơ như được đánh đổi từ rất nhiều đau thương mà chỉ những người từng chứng kiến cảnh chia lìa đôi lứa, gián đoạn tình yêu trong những năm tháng đất nước chìm vào khói lửa chiến tranh:

“Em ơi! Anh đã trở về

Trăng thanh chảy mát bốn bề đêm thanh

Nếu em còn có yêu anh

Xin yêu người ấy để thành lứa đôi

Lòng anh hóa đóa mây trời

Bay trong tiếng hát con người thương nhau”

(Với em - Trường ca

Những người lính ở làng)

Lo sợ làm báo sẽ gây “tổn hại” ít nhiều đến sáng tác, nhưng đọc những bài thơ của Nguyễn Quang Thiều, không thể tìm thấy sự ảnh hưởng nào của công việc làm báo vốn gắn liền với mỗi sự kiện, mỗi biến động của đời sống xã hội. Có lẽ bởi năng lực làm báo và năng lượng cảm xúc đều quá dồi dào, còn chính ông lại là người biết “phân thân” rạch ròi ở hai vai trò: nhà báo và nhà thơ.

Bảo Ngọc T/h