Tín dụng đến giữa tháng 6 đã tăng 8,16% so với cuối năm ngoái. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng tín dụng 8,16% lần này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Điều đáng mừng là tín dụng tăng dàn trải trên các lĩnh vực cần thiết, đặc biệt các lĩnh vực cần được ưu tiên tăng rất nhanh như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bằng những giải pháp thực hiện từ 2 năm qua khi dịch COVID-19 xảy ra đó là chính sách giãn hoãn những khoản nợ, lãi đến hạn cùng với việc cơ cấu lại các khoản nợ cho các doanh nghiệp, hạ lãi suất cho doanh nghiệp cùng với chính sách hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên để tập trung vốn cho nền kinh tế thì đã có những kết quả bước đầu".

Linh hoạt chính sách tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế
Linh hoạt chính sách tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế.

Dòng vốn được nắn chỉnh, chảy nhiều vào những lĩnh vực cần thiết cho sự phục hồi kinh tế cũng là điểm sáng được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, mặc dù tín dụng tăng cao nhưng ngành ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định về thanh khoản, khi lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm mạnh và dòng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng cao, đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, tính đến cuối tháng 03.

"Lãi suất liên ngân hàng đã quay trở về mức thấp của năm ngoái cho thấy thanh khoản dồi dào, đáp ứng vốn cho tăng trưởng tín dụng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16,9%. Mức tăng trưởng này đến từ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn cho sản xuất, đã tăng đột biến trong vài tháng trở lại đây", bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho hay.

Các chuyên gia cũng đánh giá chính sách tiền tệ, lãi suất thời gian qua chịu áp lực không nhỏ từ xu hướng tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong nước tương đối ổn định chính nhờ động thái mạnh tay cắt giảm 3 lần lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong suốt 2 năm dịch bệnh, đưa lãi suất xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạn chế được những tác động từ việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động gần đây của một số ngân hàng.

Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định: "Chúng ta phối hợp tốt chính sách tài khoá và tiền tệ để kiểm soát lạm phát và mục tiêu 4% có thể đạt được. Trên thế giới hiện nay hầu như tất cả các nước đều đã tăng lãi suất, trừ một vài nước. Ở Việt Nam chúng ta lãi suất huy động đầu vào cũng có tăng nhưng đầu ra cho vay về cơ bản vẫn ổn định để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu là phải hỗ trợ phục hồi" .

"Chính sách tiền tệ cần phải duy trì với độ mở nhất định để đảm bảo cho phục hồi tăng trưởng nhưng mặt khác phải để ý tới lạm phát. Nhìn chung các nước Đông Nam Á mức độ siết chặt tiền tệ nhẹ hơn so với các nước nơi khác vì nền tảng của các nước Đông Nam Á, đặc biệt của Việt Nam tương đối ổn định và vững chắc", ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá.

Gói cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đang được các ngân hàng triển khai được nhận định sẽ có tác động lan tỏa tới mặt bằng lãi suất cho vay nói chung. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Trúc Mai