Lo ngại tình trạng trẻ em mắc chứng tự kỷ tăng nhanh - Hình 1

Thực hiện mục tiêu của Nhà nước về việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, ngày 19/4/2018, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Uỷ Ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức Toạ đàm "Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam".

Toạ đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông vân động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Đây là mục tiêu góp phần xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Sau khi nghe Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trình bày dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" các đại biểu tham dự đã đóng góp những ý kiến tham luận về vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và các vấn đề chính trong dự án.

Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản:

Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam;

Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ;

Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng;

Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam.

Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng;

Tự kỷ (Autism) hay rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder, viết tắt là ASD) đều là những thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạ trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi và sở thích đinh hình lặp lại. Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biển với tỉ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới.

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, “Tự kỷ” bắt đầu được nhắc đến nhiều và là mối lo chung của mọi quốc gia. Vấn đề này đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn cho nhiều nhà khoa học, nhiều nhà giáo dục và những người đang hàng ngày hàng giờ nghiên cứu để hạn chế sự gia tăng nhanh chóng của nó. Tự kỷ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến sự phát triển về con người theo đúng nghĩa. Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây tỷ lệ này là 1/1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68 từ 2012.

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

PGS. Phạm Minh Mục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cũng cho thấy, thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó, xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.

Từ thực tế đó, việc xây dựng trường học dành riêng cho trẻ được cha mẹ và nhiều nhà chuyên môn thực hiện, giúp các em có môi trường thuận lợi được can thiệp, được học tập, được vận động và vui chơi.Ở các tỉnh cũng bắt đầu hình thành nhiều cơ sở can thiệp đặc biệt, góp phần hạn chế những khó khăn về kinh tế cho gia đình, giúp các em có thể can thiệp và trị liệu lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.

Trước đây, nhiều người cho rằng “tự kỷ” chỉ có con nhà giàu mới bị nhưng theo tổ chức y tế thế giới WHO: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời và rất khó chữa khỏi, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có hành vi, sở thích cũng như những hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại”.

Với những gia đình có điều kiện, việc can thiệp và trị liệu cho con sẽ được diễn ra lâu dài và bền vững hơn, do đó việc trẻ tiến bộ, cải thiện hành vi và phát triển năng khiếu ở một vài lĩnh vực cho trẻ (hội họa, âm nhạc, hát, toán học...) đây là cơ hội giúp trẻ trở thành người có ích cho xã hội.

Còn với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế và thu nhập thấp, bố mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp, hay bố mẹ là những công chức bình thường thì việc cho con can thiệp trị liệu lâu dài sẽ là một gánh nặng về kinh tế.

Chính vì vậy, việc đảm bảo một liệu trình can thiệp bền vững, giảm thiểu hành vi, xây dựng và củng cố những tác động tích cực giúp trẻ tiến bộ là khó thực hiện, đôi khi ở những trẻ em này sẽ là sự phát triển thụt lùi, kèm với những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Điều đó là một bộ phận không nhỏ gây ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

T.Bình