Hội thảo về các phương pháp can thiệp tiên tiến cho trẻ tự kỷ - Hình 1

Ông Hoàng Văn quyên chia sẻ những phương pháp can thiệp tiên tiến theo mô hình của Úc

Tham dự hội thảo, có ông Hoàng Văn Quyên, chuyên viên VLTL-ANTL, KTV Trưởng khoa PHCN Bệnh viện Nhi đồng 1, Giảng viên ANTL, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh; bà Hà Thị Kim Yến, nguyên trưởng khoa PHCN, BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh; ông Doyle Mueller, chuyên gia GDĐB, giảng viên ANTL ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh; bà Phạm Thị Thơm, Thạc sỹ QLGD, cử nhân GDĐB,  Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Can thiệp sớm Tia nắng nhỏ; bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tia nắng mặt trời; các giáo viên GDĐB và đông đảo phụ huynh có con bị tự kỷ.  

Trung tâm can thiệp sớm Tia nắng nhỏ hoạt động song hành cùng trường mầm non Tia nắng mặt trời và được Hội cứu trợ trẻ em tàn tật giám sát về mặt chuyên môn cũng như thúc  đẩy trung tâm thường xuyên tham gia các phong trào thiện nguyện, các hoạt động mang tính nhân văn vì cộng đồng.

Là một trung tâm can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, Tia nắng nhỏ chuyên can thiệp cá nhân cho trẻ rối loạn phát triển, chậm nói, tự kỷ, ADHD, Down… và hỗ trợ trẻ ra học hòa nhập tại Trường Mầm non Tia nắng mặt trời và một số trường lân cận cho các cháu có khả năng hòa nhập và đi học.

Trường Mầm non Tia nắng mặt trời thường có 150 trẻ theo học và chia thàng 8 lớp. Mỗi năm, trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 20 trẻ có khả năng đi học hòa nhập tham gia vào các lớp mầm non theo độ tuổi.

Ngoài ra, Trung tâm Tia nắng nhỏ còn tiếp nhận và hỗ trợ can thiệp cá nhân cho khoảng 50 trẻ khác. Hiện tại, Trung tâm can thiệp sớm Tia nắng nhỏ đã có 2 cơ sở hoạt động theo hình thức kết hợp dạy cá nhân và đưa trẻ ra mô hình giáo dục hòa nhập, kết hợp dạy nhóm.

Hội thảo về các phương pháp can thiệp tiên tiến cho trẻ tự kỷ - Hình 2

Bà phạm Thị thơm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Can thiệp sớm Tia nắng nhỏ phát biểu tại hội thảo

Bà Thơm chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng, việc phối kết hợp giữa những nhà chuyên môn, chuyên gia, bác sỹ, các nhà tâm lý với nhau sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đây cũng là vấn đề còn thiếu tại hầu hết các trung tâm ở Việt Nam hiện nay”.

Chị Lý Mai Hương, mẹ bé Đỗ Trí Khiêm 4,5 tuổi ở phường Dịch Vọng Hậu tâm sự: “Lúc con khoảng 2 tuổi, mình thấy con hay chơi một mình, hay quay tròn các đồ vật, thêm một yếu tố nữa là ông bà hay đón cháu về sớm và cho chơi máy tính bảng, xem TV… Thấy con như vậy, vợ chồng mình rất lo lắng nên cho con đi thăm khám kiểm tra để có hướng điều trị.

Và cho đến hiện tại, mình duy trì mỗi ngày cho con học can thiệp cá nhân 45 phút. Bên cạnh đó, con học mầm non cùng lớp với các bạn bình thường. Cô giáo đánh giá con mình phát triển gần như bình thường so với các bạn cùng tuổi, chỉ là vận động hơi kém một chút…”.

Chị Vũ Thị Phượng, mẹ em Trần Viết Thành 10 tuổi cho biết, phát hiện ra lúc tầm 18 tháng tuổi con hay tự chơi, hay quay tròn các đồ vật bất kỳ… chị cho con đi khám ở Viện Nhi Trung ương và tìm các phương pháp để hỗ trợ giáo dục cho con. Đến nay, em Thành đang học lớp 5 Trường Tiểu học Mai Dịch và được đánh giá là nhận thức tốt, tuy nhiên bị hạn chế về ngôn ngữ nên môn Văn hơi đuối so với các môn khác.

Ông Quyên chia sẻ: “Các phương pháp ở nước ta trước đến nay, chủ yếu là can thiệp trong một môi trường nhất định rồi mới cho trẻ hòa nhập nếu thấy ổn. Nhưng phương pháp ở các nước phát triển về giáo dục là kết hợp đồng thời giữa can thiệp, hòa nhập và cộng đồng”.

Những buổi hội thảo như thế này - sẽ giúp các giáo viên và phụ huynh có dịp tiếp cận và chia sẻ nhiều hơn những phương pháp hỗ trợ cho các em bị tự kỷ, giúp các em có những kỹ năng tốt và đầy đủ hơn để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Linh Tuệ - Mai Hoa