Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, cho biết: “Vùng sản xuất rau tập trung của Hợp tác xã hiện đạt gần 200ha, trong đó có 134,68ha rau an toàn và 5ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của bà con ở đây là củ cải trắng, giống Hàn Quốc”.
“Với tư duy canh tác trước đây, chỉ lấy sức lao động là chủ yếu, hơn nữa việc trông chờ vào “mưa thuận, gió hòa” từ thiên nhiên mang lại, nên cuộc sống của người dân ở đây không có gì khá giả, thậm chí để đủ sống cũng đã là cả một vấn đề. Bây giờ trồng củ cải theo phương pháp an toàn, năng suất đạt cao, thu lợi nhuận cao hơn trồng các loại rau màu khác rất nhiều”, ông Đua cho biết.
Ruộng củ cải tại HTX Đông Cao
Trao đổi về phương pháp trồng và chăm sóc giống củ cải này, ông Nguyễn Văn Biên, ở khu 2, thôn Đông Cao chia sẻ, chúng tôi chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, không phun bất kỳ loại thuốc hóa học nào để diệt cỏ, mà diệt cỏ hoàn toàn làm bằng tay. Phân bón cho củ cải cũng được sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng phải được ủ cho mục rồi sau đó đem bón cho cây.
Theo tính toán của ông Đàm Văn Đua, nếu một năm canh tác 4 vụ trồng củ cải, xã viên HTX Đông Cao thu hoạch 37 - 40 nghìn tấn củ cải, thu nhập 800 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác.
Mặc dù củ cải có chất lượng rất cao, sản lượng khá lớn nhưng vẫn chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Thủ đô Hà Nội, ít được các siêu thị bày bán.
Những năm trước đây, có thời điểm nông dân trồng củ cải ở Tráng Việt phải nhổ bỏ hàng tấn củ cải đem xếp lên bờ ruộng để cho gia súc ăn, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc và kêu gọi người dân nhiều địa phương “giải cứu củ cải” cho bà con.
Theo ông Đua, nguyên nhân củ cải phải nhổ bỏ là do người dân canh tác quá nhiều, mỗi năm chỉ canh tác khoảng 4 vụ/năm, nhưng do thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cao nên đã trồng thêm 1 vụ nữa, dẫn đến hiện tượng củ cải phơi đầy trên ruộng do cung vượt quá cầu.
Trao đổi về việc tìm đầu ra cho củ cải trắng của người dân Tráng Việt, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết. “UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chức năng tham mưu cho lãnh đạo huyện trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương nói chung và củ cải nói riêng. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc củ cải, xây dựng thương hiệu củ cải trắng. Công việc tìm đầu ra mới chỉ dừng lại ở đó, sắp tới sẽ phải triển khai quyết liệt để bảo đảm sản phẩm nông nghiệp của nông dân có địa chỉ tiêu thụ”.
Để nông dân trồng củ cải trắng không còn thấy cảnh “giải cứu” thì chính quyền, Hợp tác xã và người dân nơi đây phải xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là kênh phân phối được mở rộng.
Linh Tuệ