“Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 sẽ không quá lạc quan” - Hình 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Năm 2018 khép lại với nhiều gam màu sáng xuất hiện trên bức tranh ngành ngân hàng. Dù vậy, không thể phủ nhận, để ngành “xương sống” nền kinh tế được thanh lọc và thực sự khỏe mạnh, vẫn còn nhiều việc đang chờ đợi Nhà điều hành và lãnh đạo các nhà băng trong năm 2019.

Phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về những nhận định, đánh giá của ông về ngành ngân hàng năm 2018 và triển vọng cho năm 2019.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh ngành ngân hàng trong năm 2018, thưa ông?

Một điều đáng mừng là trong năm vừa qua, nhiều ngân hàng báo lãi tăng mạnh, trong khi đó, việc xử lý nợ xấu có nhiều tiến triển. Các ngân hàng cũng đã chuẩn bị Thông tư 41, dự kiến có hiệu lực từ năm 2020.

Đặc biệt là nguồn vốn cho nền kinh tế được cung cấp phần lớn từ ngành ngân hàng, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đạt được tăng trưởng hơn 7% trong năm qua.

Việc lãnh đạo một số ngân hàng bị xử phạt trong thời gian qua cũng là lời cảnh báo cho những người phạm pháp, tạo tiền đề giúp hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều đã đạt được, tôi cho rằng, ngành ngân hàng vẫn cần sự cải tổ hơn nữa. 

Thứ nhất, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống hiện trên 10%, tương đối cao nhưng đó là đang áp dụng Thông tư 36 còn nếu áp dụng Thông tư 41, CAR sẽ bị đẩy xuống, có thể dưới 8%, vì ngân hàng phải tính lại mẫu số tính CAR, mẫu trong tương lai sẽ bị "phình ra", đẩy hệ số xuống. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ là vấn đề thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, trước đây khi ngân hàng phải tăng vốn lên 3.000 tỷ có nhiều ngân hàng tăng vốn ảo, làm cho số lượng vốn chủ sở hữu của ngân hàng trên giấy không phải là con số chính xác. Tôi cho rằng, vốn chủ sở hữu thực của ngân hàng thấp hơn số trên báo cáo tài chính. Nếu áp dụng Thông tư 41 thì hệ số rủi ro sẽ bị giảm xuống.

Một vấn đề nữa, hiện nhiều ngân hàng còn giữ lối quan trị cũ, không có sự phân biệt rạch ròi giữa Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Điều hành (BĐH).

Hiện HĐQT tại nhiều ngân hàng can thiệp rất sâu vào hoạt động ngân hàng, can thiệp vào các quyết đinh của BĐH, không phù hợp với Basel 2 và thông lệ quốc tế.

Sang năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến đến mô hình tổ chức như thế, phân biệt rạch ròi giữa HĐQT- thực hiện nhiệm vụ quản trị và BĐH - thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành.

Một vấn đề nữa là vấn đề xử lý nợ xấu. Nợ xấu nội bảng và kể cả nợ ở VAMC còn rất lớn và cần xử lý, nếu không xử lý được, ngân hàng sẽ phải nuôi số nợ xấu này, và như thế thì không thể giảm lãi suất.

Với tất cả những thực trạng cũng như thách thức mà ông vừa chỉ ra, ông kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 sẽ như thế nào? Và lãi suất cho vay có thể giảm không, thưa ông?

Tôi cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 sẽ không quá lạc quan. Nguyên nhân là do hệ thống vẫn còn rất nhiều các thách thức như vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu… , và đi kèm với đó là chi phí sẽ tăng. Dù vậy, đó là cái giá phải trả nếu muốn ngành ngân hàng lành mạnh hơn.

Về lãi suất, trong năm 2019, tôi cho rằng sẽ không có nhiều đột biến. Mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì bằng năm 2018 hoặc thậm chí có thể tăng. Việc tăng lãi suất tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có nợ xấu.

Bên cạnh đó, trong năm nay, lạm phát có thể vẫn ở mức 4%. Tỷ giá nếu muốn ổn định chúng ta phải giữ lãi suất cao, nếu thấp thì người dân sẽ ngay lập tức mua găm ngoại tệ ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, do đó khó giảm lãi suất.

Dù vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng giảm lãi suất điều hành thì có thể có một tác động nào đó trên thi trường lãi suất, tuy nhiên, không có gì đảm bảo lãi suất trên thị trường một và thị trường hai sẽ có cùng tốc độ giảm.

Xin cám ơn ông!

Theo Bizlive