Kỳ 5: Thêm đường dây từ Trường nghề số 19?
Để những bộ hồ sơ của học viên đến được với Trung tâm Nam Triệu, không loại trừ có những chiếc “vòi bạch tuộc” làm đường dẫn “tắt”, tạo thành một chuỗi mắt xích “làm luật” khép kín cho những bộ hồ sơ sát hạch GPLX.
Lối tắt bị… chặt đứt
Trước khi được vào sát hạch GPLX tại Trung tâm Nam Triệu, anh N.T.Đ có chuyển hồ sơ qua một người quen tại Trường Trung cấp nghề số 19 (Bộ Quốc phòng), trụ sở tại đường Lý Bôn, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Nói là hồ sơ, nhưng thực chất anh Đ chỉ nộp 1 bản photo CMND, 10 ảnh hồ sơ cỡ 3x4 và 3 triệu đồng (được chuyển qua tài khoản). Gần đến ngày sát hạch, anh Đ được một cán bộ tại Trường Trung cấp nghề số 19 liên hệ, hướng dẫn làm thủ tục, đó là thầy giáo Chu Ngọc Hoàng. Trước ngày lên đường, anh Đ đã phải chuyển thêm 4 triệu đồng tiền mặt cho Chu Ngọc Hoàng qua người quen (là đồng nghiệp của thầy Chu Ngọc Hoàng).
Với thỏa thuận ban đầu, để được lo lót, hoàn thành đợt sát hạch GPLX này, anh Đ phải nộp tổng số tiền 9,5 triệu đồng. Do đó, trong ngày đầu tiên có mặt tại Trung tâm Nam Triệu, anh Đ được thầy Chu Ngọc Hoàng gọi điện yêu cầu nộp số tiền còn lại (2,5 triệu đồng), nhưng anh Đ từ chối nộp tiền vì chưa chuẩn bị từ trước. Đến ngày 25/12/2013, thầy Chu Ngọc Hoàng tiếp tục nhắn tin vào số điện thoại của anh Đ, yêu cầu anh Đ chuyển tiếp số tiền còn lại để được trả GPLX. Tuy nhiên, thời gian trôi đi với bao nhiêu hứa hẹn, đến nay anh Đ vẫn chưa được trả GPLX, mặc dù số tiền 7 triệu đã chảy vào những chiếc “vòi bạch tuộc” và thầy Chu Ngọc Hoàng tiếp tục đòi thêm tiền “luật”. Cho đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc, những mắt xích tạo nên lối đi tắt cho bộ hồ sơ của anh Đ đến Trung tâm Nam Triệu dường như đã bị chặt đứt từng đoạn, cuộc chạy chọt lấy GPLX cho anh Đ tại Trung tâm Nam Triệu bất thành.
Tin nhắn “thầy” Chu Ngọc Hoàng - đòi thêm tiền của anh Đ
Trường nghề số 19 bất hợp tác?
Liên hệ làm việc với Trường nghề số 19, được ông Đỗ Tất Thoại, Trưởng Phòng Đào tạo cho biết: “Ở trường nghề số 19, có rất nhiều người tên là Hoàng”.
Khi phóng viên cung cấp đầy đủ họ và tên “thầy Hoàng” có liên quan đến những mắt xích làm luật GPLX tại trung tâm Nam Triệu là Chu Ngọc Hoàng thì đại diện Phòng Đào tạo của trường này vẫn từ chối: “Cả trường có mấy trăm người nên phải để nhà trường xác minh lại xem là thầy Hoàng nào?”! Cuối cùng, chúng tôi phải để lại nội dung làm việc, hẹn trở lại vào một buổi làm việc khác.
Tuy nhiên, sự bất hợp tác của lãnh đạo Trường nghề số 19 càng thể hiện rõ nét hơn, khi mà ông Đỗ Tất Thoại, Trưởng phòng đào tạo của trường đã chủ động gọi điện lại cho phóng viên với vẻ “thách thức”: “Thầy Hoàng nói là không biết gì về vụ hồ sơ đó, vì không có cái gì chứng mình được việc thầy Hoàng có nhận hồ sơ”.
Và thay vì việc báo cáo lãnh đạo trường để hẹn lịch làm việc với phóng viên, ông Thoại lại thoái thác: “Đây là việc giữa cá nhân với cá nhân nên nhà trường không can thiệp”.
Trường nghề số 19 (Bộ Quốc phòng) có chức năng đào tạo nghề lái xe. Là một người công tác tại Trường nghề số 19, nhưng “thầy giáo” Chu Ngọc Hoàng khi có học viên có nhu cầu học nghề, lại không nộp hồ sơ vào trường, mà tìm cách luồn lách ở một đơn vị khác để vụ lợi cá nhân. Ông Thoại cũng phân bua với phóng viên rằng, công tác tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây rất khó khăn, do số lượng các trường tăng mạnh, học sinh thì ít. Thử hỏi, những thầy giáo không đủ độ tâm huyết như “thầy Hoàng” thì sự đóng góp công sức cho nhà trường được bao nhiêu? Hay chỉ là những người thầy tựa lưng vào Trường nghề số 19 để với tay ngoài dài hơn tay trong?...
Vì sao lãnh đạo Trường nghề số 19 lại bất hợp tác với báo chí, để làm rõ mắt xích chạy chọt GPLX tại Trung tâm Nam Triệu, mà sự xuất phát từ chính danh nghĩa của trường nghề số 19? Phải chăng, ở đây có dấu hiệu “bảo kê” của lãnh đạo nhà trường cho cán bộ cấp dưới của mình?
Cao Huyền