![Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong 6 tháng đầu năm 2024 Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong 6 tháng đầu năm 2024](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/07/23/pho-giam-doc-so-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-tan-qui-chu-tri-hoi-nghi-1-1721727459.gif)
Ngày 23/7/2024, UBND tỉnh Long An đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong 6 tháng đầu năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Tấn Quí - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Thường trực Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong 06 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An đã thành lập mới 12 HTX, giải thể 3 HTX. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 322 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân với tổng vốn điều lệ là 482 tỷ đồng và hơn 42.000 thành viên tham gia.
Trong đó, có 259 HTX và 18 Quỹ Tín dụng nhân dân đang hoạt động (chiếm 86% trên tổng số HTX) và 44 HTX và 1 Quỹ Tín dụng nhân dân tạm ngừng hoạt động (chiếm 14% trên tổng số HTX).
Có 128 HTX hoạt động khá, tốt (chiếm 39,8% trên tổng số HTX, cao hơn so với đầu năm (33%); 68 HTX hoạt động trung bình (chiếm 21,1% trên tổng số HTX), 22 HTX hoạt động yếu kém (chiếm 6,8% trên tổng số HTX) và 94 HTX không thực hiện đánh giá xếp loại, do mới thành lập và ngừng hoạt động (chiếm 32,3% trên tổng số HTX). Trong thời gian tới, các HTX tạm ngừng hoạt động sẽ tiến hành chuyển đổi hoặc giải thể theo quy định.
Theo báo cáo đánh giá, hoạt động của các HTX ngày càng đa dạng và phong phú hơn trước, từ dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) và góp phần liên kết tiêu thụ của một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: Lúa, rau, chanh, thanh long… đã đem lại hiệu quả cho sản xuất nông sản hàng hóa, phục vụ cho xuất khẩu.
Đồng thời, một số HTX hoạt động hiệu quả đã thực hiện tốt vai trò liên kết hộ nông dân với nhau để triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cụ thể: 26 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động điều hành và sản xuất kinh doanh, 17 HTX thực hiện chuyển đổi số, 12 HTX sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, 2 HTX tham gia hoạt động xuất khẩu, 21 HTX xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Về kết quả phát triển Liên hiệp Hợp tác xã, tỉnh Long An có 5 Liên hiệp Hợp tác xã với 19 thành viên, tổng vốn điều lệ 4,2 tỷ đồng. Trong đó, có 02 Liên hiệp Hợp tác xã đang hoạt động là Long An, Cần Đước; 01 Liên hiệp Hợp tác xã đang tiến hành tổ chức hoạt động là Vĩnh Hưng; đã tạm ngưng hoạt động 2 Liên hiệp Hợp tác xã là Cần Giuộc, Tân Hưng.
Liên hiệp Hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác lớn như: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), SATRA... Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các Liên hiệp Hợp tác xã chưa cao, vai trò kết nối của Liên hiệp Hợp tác xã với các HTX còn rời rạc.
Về kết quả phát triển Tổ hợp tác, tỉnh Long An hiện có 1.256 tổ hợp tác với hơn 17.000 thành viên. Các Tổ hợp tác đa số hoạt động có hiệu quả, nhất là các tổ góp vốn mua phương tiện sản xuất như máy gặt đập liên hợp, máy cày, xới…. vì đáp ứng yêu cầu của sản xuất, thu hoạch của nông dân khi công lao động khan hiếm.
Các Tổ hợp tác có vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn nhằm góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển.
![Hoạt động của các HTX ngày càng đa dạng và phong phú hơn trước Hoạt động của các HTX ngày càng đa dạng và phong phú hơn trước](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/07/23/410-1721727568.jpg)
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KTTT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT trong thời gian tới, gồm:
Việc xây dựng và phát triển KTTT rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp với sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng. Đồng thời, các HTX, Tổ hợp tác phải chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, không trông chờ, ỷ lại, phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, chăm lo lợi ích của thành viên, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa thành viên.
Bên cạnh đó, cần có định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp, xác định sản phẩm kinh doanh và thị trường tiêu thụ rõ ràng, tổ chức hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với lợi ích của các thành viên, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Ngoài ra, công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có nghiệp vụ cho KTTT là nhân tố có ý nghĩa quyết định; cán bộ quản lý HTX, tổ trưởng Tổ hợp tác phải có kiến thức quản lý, có chuyên môn, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình gắn bó với công việc chung.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, KT-XH tỉnh Long An đạt được một số kết quả nổi bật như: GRDP đạt 5,26%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 2,93%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,54% và khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 6,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,05%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng qua từng tháng, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,67%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 6,15 tỉ USD;...
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng đáng kể, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành; tỷ lệ giải ngân đầu tư công đứng thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước. Thu ngân sách được chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả khá tốt (tăng hơn 47% so cùng kỳ).
Thuận Yến