Long An: Đổ xô đào ao nuôi cá, tiềm ẩn nhiều rủi ro - Hình 1

 Hầu hết các hộ dân nuôi trồng chưa được tập huấn kỹ thuật mà tự học hỏi lẫn nhau

Hiện nay, với sản lượng từ 5 – 20 tấn/ha và giá bán từ 45.000 – 65.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá tra giống ở các khu vực này khá cao, trung bình mỗi vụ nuôi, người dân thu lợi nhuận từ 100 – 300 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu lợi nhuận 1 tỷ đồng/vụ. Do đó, nhiều hộ dân đổ xô bỏ lúa, chuyển sang đào ao nuôi cá.

Dọc tuyến đường cặp kênh KT9, từ xã Hưng Hà qua xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), mọc lên những ao nuôi cá; máy móc đào những thửa ruộng để làm ao nuôi. Trên đường, hàng chục lượt xe tải chở thức ăn nuôi cá, cá giống cho người dân. Theo bà con, trên tuyến kênh này, cứ 10 hộ dân thì có đến 5 - 7 hộ dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá.

Bên cạnh những hộ dân nuôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ, vẫn có không ít người chịu thua lỗ do đổ xô nuôi theo phong trào. Tính cả tiền đào ao, tiền giống cá bột, thức ăn, thuốc…, trung bình mỗi ha phải đầu tư trên 200 triệu đồng. Nếu thất bại, người nuôi trồng sẽ gặp nhiều khó khăn, lâm cảnh nợ nần.

Việc nuôi cá tra bột thành cá tra giống hiệu quả tức thời, ai cũng thấy rõ, lỗ thì không mấy ai biết nên xu hướng chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá vẫn tiếp tục nở rộ, mặc cho chính quyền địa phương không khuyến khích. Thậm chí, nhiều người còn thuê thêm đất để đầu tư nuôi.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An, việc người dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá, chỉ mới nở rộ từ khoảng giữa năm 2017 đến nay. Người dân lấy nguồn giống cá tra bột từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… về nuôi thành cá tra giống, sau đó bán lại cho các hộ dân nuôi thương phẩm.

Hầu hết các hộ dân nuôi trồng chưa được tập huấn kỹ thuật mà tự học hỏi lẫn nhau, hoặc theo sự hướng dẫn của nhân viên các công ty thức ăn, thuốc thú y. Ngoài ra, chưa có sự am hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống… dẫn đến chất lượng cá tra giống chưa kiểm soát được.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có thống kê đầy đủ tình hình phát triển nuôi cá tra giống trên địa bàn. Trước mắt, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, công tác quản lý và xử lý dịch bệnh, hỗ trợ kết nối cung - cầu để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân có giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi đảm bảo các yêu cầu trước khi cho thoát ra ngoài tự nhiên, hạn chế mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Thủy Hương