Long An: Giá nếp lao dốc, thương lái và doanh nghiệp thua lỗ nặng - Hình 1

Giá nếp lao dốc, thương lái và doanh nghiệp thua lỗ nặng

Hầu hết diện tích nếp gần tới ngày thu hoạch đã được thương lái và doanh nghiệp thỏa thuận mua giá cố định là 6.100 đồng/kg và đã đặt tiền cọc từ mức 4-5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi nông dân bắt đầu thu hoạch, giá nếp liên tục giảm mạnh xuống mức 5.200-5.300 đồng/kg. 

Nếp rớt giá mạnh do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp thu mua vướng cảnh tồn kho, thiếu vốn dự trữ. 

Ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thành (thành phố Tân An), cho hay từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ hạt nếp thương phẩm chủ yếu là xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chiếm 80-90% sản lượng. 

Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây tất cả các đơn đặt hàng từ các đối tác phía Trung Quốc đột ngột từ chối nhận hàng và giá hạt nếp thương phẩm giảm giá quá mạnh. 

Từ mức giá giá 11.000 đồng/kg gạo nếp đã giảm xuống còn 9.600-9.700 đồng/kg, nhưng không có đợn đặt hàng để tiêu thụ. 

Thị trường Trung Quốc đột ngột không nhập khẩu hạt gạo nếp đã làm cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua chế biến, thương lái thu lỗ nặng, còn nhà nông thì thu hoạch chất đống vì thương lái không thu mua kịp. 

Theo thống kê của Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân đã trồng được 85.000 ha, với năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha. 

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ gạo nếp khá tốt, giá lúa nếp luôn ở mức cao đã khiến nông dân không chỉ riêng Long An mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô vào trồng lúa nếp. 

Long An: Giá nếp lao dốc, thương lái và doanh nghiệp thua lỗ nặng - Hình 2
Tuy nhiên, lúa nếp phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Hiện giá nếp giảm, nông dân không tiêu thụ được, cả thương lái lẫn doanh nghiệp đều không "mặn mà". Điều này khiến cây nếp bấp bênh về đầu ra. 

Ngành chức năng Long An cần có giải pháp rà soát quy hoạch lại diện tích gieo trồng để đảm bảo cơ cấu gieo trồng nếp, nhằm đảm bảo lợi nhuận lâu dài cho nông dân - đó là mong đợi của nhiều người.

Thương lái thu mua nếp bán cho doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh thua lỗ tiền tỷ. Giá thỏa thuận 6.100 đồng/kg nếp tươi nhưng giá thực tế thị trường chỉ 5.300 đồng/kg. 

Nếu chọn phương án thu mua, họ phải thua lỗ 800 đồng/kg. Còn chọn phương án bỏ 4-5 triệu đồng/ha tiền đặt cọc, bình quân một thương lái thu mua nếp ở Long An trong vụ Đông Xuân lỗ từ 500 triệu-1 tỷ đồng. 

Riêng đối với nông dân, giá nếp 5.300 đồng/kg và cộng số tiền thương lái đặt cọc đã bỏ thì bình quân giá nếp vẫn đạt mức 5.700 đồng/kg trở lên. 

Thương lái Trần Thị Này (ấp 3, xã Thạnh Đức, Bến Lức) hiện đặt cọc khoảng 200 ha, tương đương 500 triệu đồng và xem như mất trắng số tiền này. 

Bà Này cho biết, các thương lái vay ngân hàng và tiền nhà bỏ ra thu mua để bán cho các doanh nghiệp. Nay doanh nghiệp không thu mua nữa thì thương lái không thể nào cân tiếp số nếp đã đặt cọc và buộc phải bỏ cả số tiền đã đặt cọc này. Có người mua 300-400 ha phải bỏ khoảng 1 tỷ đồng tiền cọc. 

Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ doanh nghiệp Ngọc Long (huyện Thủ Thừa), cho rằng nếp vỏ từ 6.100 đồng/kg hạ giá còn khoảng 5.300-5.500 đồng/kg khiến doanh nghiệp mất tiền bỏ cọc bao tiêu. Nếu cân cũng lỗ mà bỏ thì doanh nghiệp cũng mất một số vốn tiền cọc đáng kể. 

Trước tình hình biến động giá như hiện nay, nhiều đơn đặt hàng, đơn vị xuất khẩu đã thu hồi toàn bộ, tạm ngưng không mua, chờ giá của đầu ra. Vì vậy, doanh nghiệp không bán được, chịu tồn kho, cũng khó khăn rất nhiều. 

Do vậy, các nhà máy, thương lái, doanh nghiệp và nông dân kiến nghị Nhà nước cần có chủ trương trong việc xúc tiến thương mại mặt hàng gạo nếp sang nhiều nước trên thế giới để tránh lặp lại viễn cảnh bị các đối tác đầu cơ gây xáo trộn thị trường như hiện tại.

Bảo Anh