Tăng cường lập các chất kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch
Tăng cường lập các chất kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch (Ảnh: KT)

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công an tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào địa bàn tỉnh.

UBDN tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các huyện tiếp giáp biên giới;

Tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật;

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi;

Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt.

Bên cạnh đó, giao Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an, Thanh tra giao thông và các cơ quan có liên quan lập các chất kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động trong công tác chỉ đạo và đưa ra các biện pháp phù hợp.

Tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vắc xin.

Yến Linh (t/h)