Long An định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Long An định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo đó, mục tiêu kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; triển khai xây dựng, hoạch định các chính sách góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án "xanh", chất lượng cho tỉnh. 

Trong đó, ưu tiên tập trung bằng các giải pháp cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện điểm số và thứ hạng của 04 chỉ số thành phần. Phấn đấu năm 2023 tỉnh Long An đứng trong TOP 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước.

Kế hoạch đề 4 giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần:

Thứ nhất, tăng cường giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đồng bộ và theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục, công trình tiêu thoát nước, chống ngập hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững.

Thứ hai, tăng cường đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực hỗ trợ để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể: Hỗ trợ thực hiện thí điểm hệ thống thu gom, xử lý rác có phân loại tại nguồn trên địa bàn nhằm giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải xử lý; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt, công nghệ kết hợp cả đốt và sản xuất phân compost... để góp phần giảm thiểu chất thải phải chôn lấp và hạn chế các tác động đến môi trường; hỗ trợ trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh quy mô cấp huyện, đảm bảo thu gom triệt để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; kiên quyết không cho các cơ sở hoạt động khi chưa hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững.

Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp đã, đang và sẽ góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính… Do đó, cần phải xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, phải đảm bảo cách thức truyền tải thông điệp truyền thông phù hợp với mọi đối tượng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Chú trọng hơn nữa công tác phối kết hợp với ngành giáo dục để đưa các nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho các đối tượng là học sinh, sinh viên nhằm giúp cho các em sớm hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền vận động người thân và gia đình cùng triển khai thực hiện. Đối với đối tượng là doanh nghiệp, cần tăng cường hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức tuyên truyền; lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn các nội dung hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; khuyến khích xanh hóa mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Thứ tư, chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình thực hiện dự án của các doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu các giải pháp và triển khai có hiệu quả các chính sách của tỉnh đảm bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp; từ đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất.

Tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phải được niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên để công dân, doanh nghiệp biết, theo dõi, thực hiện.

Theo Kết quả công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Long An đạt 15.04 điểm đứng vị trí thứ 28 trên cả nước và đứng vị trí thứ 3 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau Trà Vinh (17,67 điểm) và Vĩnh Long (15.27 điểm).

PV