Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu.
Thường xuyên theo dõi tiến độ xử lý các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến phê duyệt/điều chỉnh dự án, đấu thầu, giải ngân dự án đầu tư công để đôn đốc các cơ quan chuyên môn sớm thẩm định, trình UBND tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo có mặt bằng thi công. Theo dõi, đôn đốc đơn vị thi công tập trung tối đa nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để tồn động khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào những tháng cuối năm.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng nội dung, biểu mẫu, thời gian quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; xem đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân của đơn vị.
Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách trung ương: Các Chủ đầu tư (Sở Y tế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp) đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành trong năm 2024 và giải ngân hết kế hoạch năm 2024 đã được giao.
Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; trong đó phải cập nhật tiến độ thực hiện cụ thể, giá trị khối lượng, giá trị giải ngân, khó khăn vướng mắc cụ thể nếu có (không nêu khó khăn vướng mắc chung chung).
Đối với các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương, đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến thẩm định dự án, phê duyệt/điều chỉnh dự án, đấu thầu, giải ngân dự án đầu tư công,…
Các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ, cơ quan trung ương có dự án đầu tư công trên địa bàn quản lý trong việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng; thủ tục giao đất xây dựng dự án; lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng, thỏa thuận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh theo dõi, đánh giá tình hình, diễn biến thị trường để đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư.
Sở Xây dựng thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng hàng tháng, phù hợp với diễn biến giá thị trường, bảo đảm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, có mặt bằng đến đâu bàn giao đến đó và phối hợp với chủ đầu tư để có giải pháp phù hợp cho đơn vị thi công triển khai thi công công trình có vướng mặt bằng.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý các cơ quan, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân. Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo thực chất, không lạm dụng việc tạm ứng hợp đồng.
Quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 7538/UBND-KTTC ngày 26/7/2024 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Thuận Yến (t/h)