Ngày 8/12, thông tin từ UBND tỉnh, trong năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan có những chuyển biến rõ nét; các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, cho thấy hoạt động của các cơ quan và các đơn vị cơ bản đã được quan tâm và thực hiện công khai, minh bạch.
Trên cơ sở Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nghiêm túc triển khai, thực hiện. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, việc điều hành ngân sách chặt chẽ và hiệu quả; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại đúng tiêu chuẩn; quản lý sử dụng ngân sách đúng mục đích, chế độ thông qua công tác lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước đối với từng lĩnh vực theo chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .
Cụ thể, toàn tỉnh Long An tiết kiệm được hơn 556 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện tiết kiệm trong quản lý điều hành dự toán ngân sách Nhà nước tiết kiệm được gần 290 tỷ đồng; điều hành quản lý chi ngân sách tiết kiệm được 26,3 tỷ đồng; tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công được gần 224 tỷ đồng; tiết kiệm năng lượng của tỉnh được hơn 148,5 triệu kW;…
Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những hạn chế nhất định như việc xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm chưa cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chưa bám sát vào đặc thù của từng đơn vị để đặt ra chương trình hành động thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để bảo đảm thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2025, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Luật tiết kiệm, chống lãng phí đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thi hành công vụ; tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và chế độ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thuận Yến (t/h)