Chiều ngày 01/11, lực lượng chức năng thuộc Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đã dẫn giải tàu mang số hiệu TG-93738-TS chở khoảng 65.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng của Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 tại TP. Vũng Tàu để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó, khoảng 10 giờ 45 phút ngày 31/10, tại vùng biển cách phía Đông Bắc huyện Côn Đảo khoảng 41 hải lý, lực lượng chức năng của Đoàn Trinh sát số 2 phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu TG-93738-TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng tàu để tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, tàu có ba thuyền viên do ông Lê Minh Trung (sinh năm 1980, trú Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của ông Trung, tàu đang chở khoảng 65.000 lít dầu DO.

Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện Bắt tàu chở 65.000 lít dầu không rõ nguồn gốc
Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện tàu chở 65.000 lít dầu không rõ nguồn gốc

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Trung không xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Ngoài ra, các thuyền viên không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. 

Lực lượng chức năng Đoàn Trinh sát số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu về Vũng Tàu tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng buôn lậu xăng, dầu là do lượng tiêu thụ xăng, dầu trong nước là khoảng hơn 20 triệu tấn/năm. Trong đó, tự chủ chiếm khoảng 60%-70%, số còn lại phải nhập khẩu.

Ngoài ra, giá xăng, dầu do buôn lậu luôn thấp hơn giá xăng dầu hợp pháp trong đất liền từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/lít đối với dầu DO và 5.000 đồng đến 6.500 đồng/lít với xăng… Việc buôn lậu xăng, dầu thường diễn ra tại các tỉnh có khu vực biển Tây Nam tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia; khu vực biển phía nam Côn Đảo giáp ranh với Indonesia, Malaysia… Các đối tượng thường vận chuyển và giao nhận xăng, dầu trái phép vào ban đêm; sử dụng thiết bị công nghệ cao để buôn lậu.

Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu; neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; sử dụng các tàu cải hoán, núp bóng tàu đánh cá để nhận dầu tại các tọa độ hẹn trước, rồi mang về bán lại cho tàu cá trong nước; thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị... Một số chủ tàu bơm nước vào phương tiện để đánh lừa về tải trọng, khi đến điểm nhận hàng thì bơm nước ra để nhận xăng, dầu lậu.

Sau đó, hợp pháp số xăng, dầu lậu bằng các hóa đơn, chứng từ... Đối tượng tham gia hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu rất đa dạng, gồm cả doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu; lao động làm thuê, ngư dân trên các tàu đánh cá…

Thiên Trường