Đại tá, PGS. TS. Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) nhận định, trên tuyến biên giới phía Bắc, tại thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, do lực lượng chức năng hai nước tăng cường kiểm soát người và phương tiện qua lại nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm.
Tuy nhiên, gần dịp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp trở lại, do nhu cầu mua sắm gia tăng.
Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu
Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là quần áo, giày dép, thực phẩm, rượu, bia, đồ điện tử… với thủ đoạn vận chuyển truyền thống là tập kết hàng lậu tại kho hai bên đường biên rồi chia nhỏ để mang vác, dùng xuồng máy, đò để vận chuyển qua biên giới, sau đó dùng ô tô tải nhẹ, xe khách vận chuyển sâu vào nội địa (đan xen hàng lậu với hàng hóa có hóa đơn).
Ngày 13/8/2014, C46 phối hợp với Công an Hà Nội bắt giữ 3 xe ô tô vận chuyển lậu 70 tấn thuốc bắc qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); ngày 2/11/2014, C46 triệt phá đường dây buôn lậu hàng Trung Quốc tại bến sông Ka Long (Quảng Ninh), bắt giữ trên 120 tấn hàng lậu, trị giá khoảng 30 tỷ đồng.
Cục Cảnh sát Kinh tế khởi tố bắt giam Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Phúc Minh về tội kinh doanh trái phép hơn 3.000 tấn than; phối hợp với Cục Cảnh sát Đường thủy điều tra vụ Công ty Tiến Hoàng mua bán 13.000 tấn than không có hóa đơn chứng từ. Lượng Công an đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ với số lượng lớn: Công an Quảng Ninh bắt giữ 403 kg pháo; Công an Lạng Sơn bắt giữ 432,6 kg pháo; Công an Lào Cai khởi tố 2 vụ án, 3 bị can vận chuyển 150 kg pháo các loại...
Tuyến biên giới miền Trung, nổi lên các hoạt động vận chuyển gỗ lậu, thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm... Lợi dụng ban đêm và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát của lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển gỗ lậu từ Lào vào nội địa. Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, đường cát, rượu, mỹ phẩm, gỗ... Các đối tượng dùng thủ đoạn chia nhỏ số lượng, sử dụng các phương tiện cơ động vận chuyển, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Tuyến biển, nổi lên ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh là tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại, than và quặng; ở các tỉnh ven biển miền Trung là buôn lậu, buôn bán xăng dầu trái phép.
Tuyến hàng không, mặt hàng buôn lậu gọn nhẹ, có thuế suất cao như vàng, điện thoại di động, hàng điện tử, thuốc tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác, sản phẩm từ ngà voi châu Phi… bằng nhiều thủ đoạn khác nhau và thường có sự móc nối tham gia của một số cán bộ hàng không Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận vận chuyển hàng hóa, cán bộ hải quan. Năm 2014, Cục Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Hải quan sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, bắt giữ và khởi tố 3 vụ, thu giữ 2,15 kg vàng, 18,85 kg sừng tê giác và 240 điện thoại Iphone 6.
Hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp
Hoạt động buôn lậu lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất diễn biến phức tạp, thủ đoạn nổi lên là khai báo không đúng về hàng hóa tạm nhập tái xuất; các đối tượng tìm cách thẩm lậu hàng hóa vào nước ta như Công an Lạng Sơn bắt giữ 3 xe ô tô chở hàng tạm nhập tái xuất (gồm rượu, hàng điện tử, linh kiện điện thoại, máy tính bảng… do nước ngoài sản xuất) trị giá khoảng 18 tỷ đồng, của Công ty TNHH tiếp vận Hùng Hiếu (Hải Phòng).
Tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ tăng trong những tháng cuối năm. Lợi dụng sự chênh lệch về tỷ giá, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn vận chuyển, buôn bán vàng, ngoại tệ trái phép để thu lợi bất chính…
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT tiếp tục diễn biến phức tạp, rất nhiều loại hàng hóa được sản xuất trong và ngoài nước bị làm giả, làm nhái, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, uy tín thương hiệu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an Bắc Giang triệt phá đường dây sản xuất bột canh giả, do Nguyễn Văn Vĩnh cầm đầu, bắt giữ 2,45 tấn bột canh giả để điều tra; Công an Thanh Hóa bắt giữ 1,2 tấn thuốc tân dược các loại do Trung Quốc sản xuất không có giấy tờ tại Cơ sở thuốc tân dược của Nguyễn Thị Thu Hương; Chi cục QLTT Đăk Lăk bắt giữ, tiêu hủy 28 tấn phân bón Dung Quất NPK Humic giả…
Đáng lưu ý, đã phát hiện một số hàng hóa như nồi cơm điện, xe đạp điện, bếp từ… được sản xuất từ Trung Quốc, nhưng lại ghi “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và có địa chỉ bảo hành tại Hà Nội. Tình trạng làm giả tôn Hoa Sen, tôn Việt - Nhật từ tôn của Trung Quốc diễn ra ở nhiều địa phương, xâm phạm sở hữu công nghiệp, SHTT, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các DN trong nước.
Kế hoạch triển khai thực hiện công tác chống buôn lậu
Đại tá, PGS. TS. Hoàng Văn Trực cho biết, năm 2015, để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng cảnh sát kinh tế sẽ tập trung làm tốt một số công tác trọng tâm sau.
Một là, chủ động nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động của các loại tội phạm về kinh tế, nhất là buôn lậu, hàng giả ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, không để xảy ra bị động bất ngờ; để ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời các vụ buôn lậu, hàng giả, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội.
Hai là, tập trung nghiên cứu những vấn đề chiến lược nổi lên để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ Công an - báo cáo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong việc chỉ đạo, phối hợp các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, hàng giả. Thông qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện những sơ hở, thiếu sót của pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, đề xuất sửa đổi, bổ sung, không để buôn lậu, hàng giả lợi dụng hoạt động.
Ba là, tổng kết các vụ án lớn về buôn lậu, hàng giả, rút kinh nghiệm các vụ án đã kết thúc điều tra để tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong công tác phòng ngừa và đấu tranh. Xây dựng chiến lược công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả đến năm 2020, sau khi thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ theo Nghị định số 106/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; ổn định công tác tổ chức cán bộ theo mô hình tổ chức mới.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động khác; giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao phê bình và tự phê bình; động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái…
Về công tác tham mưu, đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục tổ chức Hội nghị giao ban 10 tỉnh, thành phố phía Bắc về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (tại chợ Ninh Hiệp và chợ Đồng Xuân, Hà Nội). Sau hội nghị, đã tham mưu xây dựng kế hoạch của Bộ Công an triệt phá các tổ chức, đường dây buôn lậu lớn từ các tỉnh phía Bắc về 2 địa điểm trên. Quá trình triển khai, đã triệt phá 9 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa từ các tỉnh biên giới về chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Tham mưu cho Bộ Công an triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đối với 12 địa phương trọng điểm; tham mưu xây dựng kế hoạch của Bộ Công an triệt phá các tổ chức, đường dây buôn lậu thuốc lá trên toàn quốc; tham mưu cho Bộ, Tổng cục và trực tiếp ban hành trên 25 kế hoạch, chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế triển khai các mặt công tác lớn trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm kinh tế…
Thu Lương