Tấn công vào các “sào huyệt” lớn
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, hàng loạt chiến dịch kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được Tổng cục QLTT vạch ra và sát sao chỉ đạo đến từng cục QLTT.
Trong đó, phải kể đến Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trận “đột kích” bất ngờ và dồn dập vào Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza ngay giữa Quận 1– nơi được coi là “sào huyệt” - kinh đô thời trang “nhái” có tiếng tại TP. HCM, đã “khai súng” ấn tượng cho chiến dịch này. Hàng nghìn sản phẩm túi, ví, dây lưng giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã bị truy quét tại đây. Hai ngày sau đó, người ta chứng kiến một cảnh tượng hy hữu là đồng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển nghỉ bán và chỉ có nhân viên giả vờ quét dọn vệ sinh... để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Không lâu sau, cuộc tấn công chớp nhoáng đã nhắm thẳng vào khu phố cổ trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Cuộc “tổng tiến công” đã đồng loạt triển khai tại 7 con phố cổ sầm uất nhất Thủ đô, lực lượng QLTT đã tạm giữ trên 2.000 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Gucci, Chanel, LV,Burrbery... Chưa đầy 2 tuần sau, cuộc kiểm tra có thể nói là quy mô nhất từ trước đến nay nhắm vào chợ Ninh Hiệp – một trong những chợ đầu mối bán buôn hàng nhái lớn nhất Hà Nội, cũng được triển khai với hàng nghìn sản phẩm nhái các thương hiệu lớn bị thu giữ.
Tương tự tại TP. HCM, khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, nhiều cửa hàng đã vội vã đóng cửa để tránh sự kiểm tra đột xuất này...
Trận đánh “kiểu mẫu” trên mặt trận mới
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vụ bắt giữ kho hàng lậu 10.000 m2 tại TP. Lào Cai - vụ việc mà phải mất đến 6 tháng trinh sát, 4 ngày liên tiếp kiểm đếm trên 230 chủng loại hàng hóa với gần 160.000 sản phẩm.
Đặc biệt, phải huy động tới 34 container mới có thể niêm phong hết số hàng. Đây là một trong những chiến công lớn nhất, mẫu mực nhất trên mặt trận chống hàng giả, hàng lậu của lực lượng QLTT sau 2 năm được thống nhất hoạt động theo mô hình ngành dọc. Vụ việc, ngay sau đó đã được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình gửi thư khen, đánh giá là điển hình từ công tác trinh sát, phối hợp dọc ngang và đấu tranh chống buôn bán hàng giả, hàng nhái qua mạng xã hội.
Một dấu ấn khác trong hoạt động đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả năm qua của lực lượng QLTT đó là công tác trinh sát ngoại tuyến, nắm được sự lắt léo về đường đi của những chuyến hàng. Vụ bắt giữ 43 kiện và 10 thùng chứa hàng sau khi hàng “ngồi” máy bay từ TP. HCM ra Nội Bài, được chuyển đến kho hàng hóa nội địa thuộc Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, thực sự là nét chấm phá khá thú vị trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT trong một năm trở lại đây.
Giữa lúc tình dịch bệnh trở nên căng thẳng, người dân hoang mang, lo lắng, luôn tìm mọi cách để có thể tích trữ nhiều nhất các vật dụng phòng chống dịch cho gia đình, lực lượng QLTT là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn thu gom khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường.
Vụ việc triệt phá trên 47 tấn găng tay y tế phế phẩm, đã qua sử dụng tại Bình Dương là “phát súng đầu tiên” lực lượng QLTT cảnh báo về tình trạng này. Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục QLTT, hàng trăm vụ việc vi phạm về thu gom khẩu trang nhằm mục đích tái chế lại tại nhiều nơi, đã bị phát hiện và chặn đứng.
Tổng cục QLTT cũng là cơ quan đầu tiên phát hiện và bắt giữ các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế giả. Vụ việc tại Công ty TNHH Việt Hàn (xã Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội) sử dụng giấy vệ sinh thay thế lớp màng lọc để sản xuất ra thương hiệu khẩu trang mang tên “khẩu trang kháng khuẩn Tulips” bị bắt - là chiến công lớn của lực lượng QLTT.
Việc phát hiện ra cơ sở này, đã chặn đứng được gần 100.000 khẩu trang y tế 4 lớp giả khỏi thị trường, đồng thời xóa sổ cơ sở có thể sản xuất 250 chiếc khẩu trang y tế giả/phút.
Thay đổi phương thức tuần tra, kiểm soát
Các lực lượng chức năng như QLTT thay đổi phương thức tuần tra, kiểm soát, trong đó mặt trận trên mạng cần được chú trọng.
Hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử có sự bùng nổ cả về số lượng và quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia. Các đối tượng kinh doanh qua mạng, cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mãi rầm rộ, công khai.
Do vậy, trong năm 2020, Tổng cục QLTT đã quyết định thành lập Tổ công tác 368 về thương mại điện tử nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường mạng, từ đó đặt nền móng cho việc xây dựng một lực lượng chuyên trách chống tội phạm thương mại điện tử.
Thực tế, từ đầu năm 2020, lực lượng QLTT đã đăng ký kế hoạch về việc mở một chuyên đề đấu tranh truy quét vi phạm trên thương mại điện tử và nhận được sự chỉ đạo cụ thể, sát sao từ BCĐ389/QG.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết:
“Sở dĩ phải thực hiện chuyên đề này vì môi trường Internet đang là nơi diễn ra phổ biến việc quảng cáo, mua bán rất nhiều sản phẩm gian lận thương mại.
Lực lượng QLTT nhận thức rõ nhiệm vụ trong bối cảnh mới, không chỉ “gói mình” với nhiệm vụ QLTT trong nước, mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới, tội phạm trên mạng”.
Nhiều chuyên gia lên tiếng, nếu không có sự tổ chức theo ngành dọc, không có những kế hoạch táo bạo từ cấp tổng cục, thì rất khó có những trận đánh đầy bất ngờ và có kết quả ấn tượng vào những điểm “nóng mà lạnh” như chợ Ninh Hiệp, phố cổ Hà Nội hay trung tâm Sài Gòn...
Có thể khẳng định, với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống tổ chức mới, lực lượng QLTT đã phát huy vai trò, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, xứng tầm với hình ảnh về một lực lượng QLTT ngày càng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại.
Hải Châu