Tại bài viết này, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP sẽ giải đáp “Lực lượng sản xuất là gì? Công ty có trách nhiệm gì trong việc quản lý lao động?”. Tuy nhiên, những nội dung khái niệm này chỉ mang tính chất tham khảo.

1. Lực lượng sản xuất là gì?

Pháp luật hiện hành không có quy định nào về “Lực lượng sản xuất là gì?”, tuy nhiên, quý khách hàng có thể tham khảo định nghĩa sau:

Lực lượng sản xuất là khái niệm trong kinh tế học, đặc biệt là trong lý thuyết Marxist, dùng để chỉ tổng hợp các yếu tố cần thiết cho quá trình sản xuất hàng hóa. Lực lượng sản xuất bao gồm:

(i) Công cụ sản xuất: Các thiết bị, máy móc, công nghệ và phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

(ii) Nguyên liệu: Tài nguyên thiên nhiên và vật liệu cần thiết cho quá trình sản xuất.

(iii) Lao động: Sức lao động của con người, bao gồm cả kỹ năng, trình độ và năng lực của người lao động.

(iii) Kiến thức và công nghệ: Các phương pháp, quy trình và kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất.

Theo đó, lực lượng sản xuất có vai trò quan trọng trong việc xác định năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Sự phát triển của lực lượng sản xuất thường dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ sản xuất và tổ chức xã hội.

Bộ luật Lao động và VB hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024]
Luật Doanh nghiệp 2020 và VB hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]

Lực lượng sản xuất là gì và trách nhiệm công ty cần phải đảm bảo trong việc quản lý lao động

Lực lượng sản xuất là gì và trách nhiệm công ty cần phải đảm bảo trong việc quản lý lao động (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Công ty có trách nhiệm gì trong việc quản lý lao động?

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm công ty trong việc quản lý lao động gồm 02 nội dung chính sau đây:

- Công ty phải lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Bên cạnh đó, công ty còn phải khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Nguyên tắc và hình thức giao kết hợp đồng lao động

Theo đó, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, công ty và người lao động mỗi bên giữ 01 bản, trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Công ty với người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Ngoài ra, hai bên cũng có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Tuy nhiên, hợp đồng lao động giao kết bằng lời nói phải có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019.

Lưu ý: Công ty và người lao động giao kết hợp đồng lao động trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên được phép tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

(Điều 14 và Điều 15 Bộ luật Lao động 2019)

4. Hợp đồng lao động cần đảm bảo quy định gì?

Hợp đồng lao động giao kết giữa công ty và người lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Đối với trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Lưu ý: Trước khi công ty nhận người lao động vào làm việc thì giữa hai bên phải giao kết hợp đồng lao động.

(Điều 13 Bộ luật Lao động 2019).

N. T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)