Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 300 doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu sử dụng lao động người nước ngoài và khoảng 2.000 người nước ngoài cư trú, làm việc.

Trước đây, tại Thanh Hóa thường xảy ra trường hợp doanh nghiệp chậm trễ hoặc chưa chú trọng trong việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị mình. Một số doanh nghiệp lợi dụng quy định của Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định lao động nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không phải xin cấp giấy phép lao động để “lách luật”, đưa lao động vào làm việc dưới 3 tháng và luân phiên thay lao động khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Thậm chí, có trường hợp lao động nước ngoài vào tỉnh với danh nghĩa khách du lịch, thăm người thân nhưng thực chất ở lại để dạy ngoại ngữ và làm các công việc khác...

Nhằm siết chặt việc quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy chế phối hợp để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, đảm bảo về an ninh - trật tự, tạo thuận lợi cho người nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh, làm việc và cư trú trên địa bàn.

Đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động người nước ngoài nghiêm chỉnh chấp hành đúng pháp luật Việt Nam về việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động nước ngoài.

Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng lao động nước ngoài ở các doanh nghiệp, nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm để có giải pháp điều chỉnh, quản lý phù hợp; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, trung tâm tư vấn du học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cấp phép lao động nước ngoài và các hoạt động quản lý nhà nước về lao động nước ngoài theo hướng thiết thực và hiệu quả...

Các thủ tục hành chính về cấp phép cho lao động người nước ngoài tại Trung tâm Hành chính công tỉnh được xây dựng đầy đủ, công khai đúng theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH. Đến nay, các doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định về cấp giấy phép cho lao động. Các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, thời gian được rút ngắn; không có doanh nghiệp phản ánh về việc cơ quan gây khó khăn, chậm thời gian cấp giấy phép lao động...

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài của các doanh nghiệp, nhà thầu đối với trên 1.300 lượt người, gồm 55 nhà quản lý, 27 giám đốc điều hành, 248 chuyên gia và 999 lao động kỹ thuật; cấp trên 1.400 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại tỉnh, trong đó: Sở LĐTB&XH cấp 512 giấy phép (cấp mới 318 giấy, cấp lại 25 giấy, gia hạn 169 giấy), Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cấp trên 600 giấy phép (cấp mới 401 giấy, cấp lại 32 giấy, gia hạn 183 giấy).

Hiện nay, tổng số lao động người nước ngoài hiện đang làm việc trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 người; trong đó có 1.980 người đã được cấp giấy phép lao động hoặc được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, nhìn chung lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh. Điều này không chỉ tạo ấn tượng tốt đối với các doanh nghiệp, lao động nước ngoài yên tâm làm việc, mà về phía cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc theo dõi, quản lý lao động người nước ngoài, góp phần đưa công tác này đi vào nền nếp, ổn định.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng lao động là người nước ngoài sử dụng visa du lịch vào để giảng dạy ngoại ngữ hoặc sử dụng visa doanh nghiệp vào làm việc tại Thanh Hóa còn xảy ra. Việc phối hợp thực hiện trong việc quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức...

Nhằm siết chặt công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngày 18/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, Sở LĐTB&XH các địa phương sẽ thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động trên địa bàn, và kể từ ngày 1/1/2024 việc thông báo tuyển dụng người lao động vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB&XH hoặc cổng thông tin điện tử của trung tâm dịch vụ việc làm, do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày, kể từ ngày báo cáo giải trình với Bộ LĐTB&XH hoặc Sở LĐTB&XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc...

Sau khi Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, ngày 6/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4133/QĐ-UBND về việc công bố danh mục, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực việc làm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTB&XH, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh...

Lê Nam