Hiện quốc gia này là nhà cung cấp thuốc gốc (generic) lớn nhất thế giới. 40% lượng thuốc gốc ở Mỹ được nhập từ Ấn Độ. Tính đến năm 2020, xuất khẩu dược phẩm tại quốc gia này lớn hơn nhập khẩu đến 16 tỷ USD và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều nước trên thế giới.

Các sản phẩm dược của Ấn Độ đáp ứng tiêu chuẩn rất cao của hầu hết những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Anh, EU…

Không chỉ dược phẩm, thị trường thiết bị y tế của quốc gia này cũng ghi nhận thành tích ấn tượng, với tổng giá trị ước tính đạt 11 tỷ USD vào năm 2022. Các chuyên gia nhận định quy mô có thể lên đến 50 tỷ USD vào năm 2030 khi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 16,4%.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế, chẳng hạn như chương trình khuyến khích liên kết sản xuất thiết bị y tế năm 2020.

Năm 2023, New Delhi đã đưa ra chính sách thiết bị y tế quốc gia với 6 điểm chính, gồm: đơn giản hóa thủ tục cấp phép thiết bị y tế, phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất thuốc và dụng cụ y tế, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc, thiết bị y tế (R&D) cũng như đảm bảo các chính sách sở hữu trí tuệ, thu hút đầu tư vào ngành, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và nâng cao nhận thức về thiết bị y tế.

Nhằm đẩy nhanh việc sản xuất thiết bị và dụng cụ y tế, New Delhi đã tăng cường kêu gọi các dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2024, lĩnh vực thiết bị y tế và phẫu thuật đã thu hút khoảng 3,28 tỷ USD FDI.

Nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất thiết bị y tế cũng đang được quan tâm, với việc khoảng 11,85 tỷ USD trong ngân sách tài chính 2024 - 2025 đã được phân bổ cho lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Vào tháng 3/2024, 27 dự án công viên thuốc và 13 nhà máy sản xuất thiết bị y tế đã được khánh thành đồng thời nhằm đáp ứng mục tiêu của chính phủ về số lượng cơ sở sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế.

Quốc gia Nam Á này cũng xem việc nhập khẩu thiết bị y tế từ các nền y tế tiên tiến trên thế giới là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt trong nước. Hiện 70 - 80% lượng hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực này đến từ Mỹ, Trung Quốc và Đức. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga đã đặt mục tiêu thương mại song phương ở mức 30 tỷ USD vào năm 2025, trong đó nhấn mạnh trọng tâm vào trao đổi hàng hóa trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, khoáng sản, thép và hóa chất.​

Minh Anh(t/h)