Lý do Mỹ tuyên chiến thương mại với cả thế giới - Hình 1

Ông Trump liên tục khiến thế giới sửng sốt, ngay cả các đồng minh thân cận cũng không thể lường trước những bước đi của ông chủ mới của Nhà Trắng.

Đây là hiện tượng chưa từng có trong gần thế kỷ nay trong lịch sử Hoa Kỳ mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử mang tính bước ngoặt mà nước Mỹ đang trải qua vào lúc này, buộc Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump phải thay đổi căn bản cách hành xử với phần còn lại của thế giới.

Nhận diện bước ngoặt lịch sử của nước Mỹ

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm 2016, ứng cử viên  Donald Trump từng nhận định, trong cuộc bầu cử lần này các cử tri Mỹ không đơn thuần lựa chọn ông hay là ứng cử viên Hillary Clinton mà là bỏ phiếu cho sự lựa chọn có ý nghĩa lịch sử về con đường phát triển của Hoa Kỳ. Trong đó, ứng cử viên Hillary Clinton chủ trương tiếp tục đưa Mỹ đi tiếp con đường chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng khởi đầu từ Hiệp định Breton-Wood năm 1944 đã từng trải qua cuộc khủng hoảng quy mô lớn cuối những năm 1970 và hiện nay không thể đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát năm 2008. Còn ứng cử viên Donald Trump chủ trương đưa nước Mỹ quay trở lại con đường của chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã từng đưa Mỹ chiếm lĩnh vị thế đỉnh cao phát triển của chủ nghĩa tư bản thế giới vào giữa thế kỷ XX.  

Ứng cử viên Donald Trump đã đúng: cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống (System Crisis) mà nước Mỹ phải trải qua cách đây 10 năm là cuộc khủng hoảng tất yếu và mang tính quy luật theo chu kỳ của nền sản xuất công nghiệp tư bản thế giới. Theo học thuyết về chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản (Theory of Systemic Cycles of Capital), thì nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới phát triển theo quy luật chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài gần 100 năm. Nội hàm của học thuyết này đã từng được công bố trong nhiều chuyên luận khoa học có giá trị kinh điển.  

Cũng theo học thuyết về chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản, nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới đã từng trải qua ba chu kỳ tích lũy hệ thống,  trong đó mỗi một chu kỳ, mỗi một chu kỳ  được hình thành tại một khu vực địa lý nhất định nhờ ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp và ở đó nổi lên một nhà nước tư bản đóng vai trò chủ đạo và khuynh đảo nền kinh tế thế giới. Đó là, chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản Hà Lan (gọi tắt là chu kỳ Hà Lan) trong thế kỷ XVIII trùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 với đặc trưng chủ yếu là chuyển nền sản xuất từ thủ công sang cơ giới hóa, hình thành nền tảng sản xuất cơ bản đầu tiên của  chủ nghĩa tư bản thế giới; chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản Anh (chu kỳ Anh) thế kỷ XIX trùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 với đặc trưng chủ yếu là chuyển nền sản xuất từ cơ giới hóa sang điện khí hóa; chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản Mỹ (chu kỳ Mỹ) trong thế kỷ XX trùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 với đặc trưng chủ yếu là chuyển nền sản xuất từ điện khí hóa sang tự động hóa và tin học hóa.  Đến đầu thế kỷ XXI, bắt đầu hình thành chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản thứ tư, gọi là chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản châu Á (chu kỳ châu Á).

Mỗi một chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản đều trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 mở đầu từ sự chuyển hóa nền tảng sản xuất cũ sang nền tảng sản xuất mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ. Giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển bùng nổ nền sản xuất công nghiệp (hàng hóa), tạo cơ sở cho một quá trình tích lũy tư bản và hình thành các tập đoàn tài chính-ngân hàng. Giai đoạn 3 với đặc trưng chủ yếu là giảm dần quy mô sản xuất công nghiệp và nổi lên vai trò chủ đạo của chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng.

Do đó, trong giai đoạn 3 nền sản xuất thực (sản xuất hàng hóa) nhường vai trò chủ đạo cho nền “sản xuất ảo” (dịch vụ tài chính-tiền tệ), mở đầu thời kỳ khủng hoảng tất yếu của từng chu kỳ và bắt đầu quá trình chuyển sang chu kỳ mới. Thí dụ, trong giai đoạn 3 của chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản Mỹ, từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, dịch vụ tài chính-ngân hàng đóng vai trò chủ yếu và chiếm tới gần 80% GDP của Mỹ. Do sự thao túng của giới tư bản tài chính-ngân hàng với cỗ máy in tiền không ai kiểm soát có tên là Cục dự trữ liên bang (FED). Với cỗ máy tin tiền này, hiện nay tổng dư nợ của nhà nước Mỹ trong tất cả các lĩnh vực đã lên tới 210.000 tỷ USD.

Đáng chú ý là, sự chuyển giao từ chu kỳ Hà Lan sang chu kỳ Anh vào đầu thế kỷ XIX diễn ra khá êm thấm, còn sự chuyển giao từ chu kỳ Anh sang chu kỳ Mỹ diễn ra vào đầu thế kỷ XX đã từng dẫn tới cuộc cạnh tranh vô cùng quyết liệt giữa tập đoàn tư bản “già cỗi” lớn nhất thế giới là Rothschild hình thành vào cuối thế kỷ XVIII do London kiểm soát và tập đoàn tư bản mới trỗi dậy Rockefeller ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX đã dẫn tới hai cuộc đại chiến trong thế kỷ XX: Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1919) và Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945). Hiện nay, sự dịch chuyển từ chu kỳ Mỹ sang chu kỳ châu Á tất yếu sẽ dẫn tới những biến chuyển địa kinh tế và địa chính trị rung chuyển thế giới, thậm chí có thể dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới mới.

Chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản châu Á

Hiện nay, chu kỳ Mỹ đang tới hồi kết và trọng tâm nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển sang chu kỳ châu Á, đã từng được nhà đầu tư và doanh nhân nổi tiếng người Mỹ Jim Rogers dự báo: "Những ai được coi là người thông minh vào năm 1807 họ sẽ tới đầu từ và làm ăn ở Anh. Những ai được coi là người thông minh vào năm 1907 sẽ đến đầu tư và làm ăn ở Mỹ. Còn những ai được coi là thông minh vào thời điểm năm 2007, họ sẽ đầu tư ở châu Á”.

Đặc trưng chủ yếu của chu kỳ châu Á là sự bùng nổ nền sản xuất công nghiệp trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhiều quốc gia đã và đang trở thành “công xưởng của thế giới” như Trung Quốc với chủ trương “Made In China”, của Ấn Độ “Made In India”, của Nga “Made In Russia” và của Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của tầng lớp trung lưu đang từng ngày từng giờ trở thành cộng đồng chiếm phần lớn dân số thế giới, hình thành thị trường tiêu thụ khổng lồ.

Theo kết quả nghiên cứu dự báo của Tập đoàn Goldman Sachs, đến năm 2030 số người thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới có thu nhập trung bình trên 6000 USD/1năm sẽ đạt tới con số 2,7 tỷ người, trong đó 98% sự gia tăng con số này thuộc các nước đang phát triển, trước hết là các nước trong Nhóm BRICS (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brasil và Nam Phi). Đến năm 2020, tổng số người trung lưu của toàn thế giới sẽ là 3,85 tỷ người, trong đó tỷ phần của các nước G-7 giảm xuống chỉ còn 21%, trong khi đó tỷ phần của các nước BRICS tăng lên đến 44%.

Đến năm 2030, tầng lớp trung lưu của thế giới sẽ là 5,2 tỷ người, trong đó khoảng 52% thuộc các nước BRICS còn các nước G7 chỉ chiếm 15%. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay là cuộc cách mạng  Internet-vạn vật kết nối hàng hóa với người tiêu dùng trong không qian mạng, tầng lớp trung lưu trên 5 tỷ người trên thế giới sẽ hình thành thị trường tiêu dùng khổng lồ với quy mô và phạm vi chưa từng có trong lịch sử văn minh nhân loại, khi đó thị trường tiêu dùng ở Mỹ so với thị trường thế giới trong chu kỳ châu Á chẳng khác gì con tem so với con voi!.

Cuộc so găng quyết liệt giữa “Made In Asia” và “Made In America”

Trong cuộc chạy đua để tranh giành thị trưởng tiêu dùng khổng lồ của thế giới trong trong chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản mới thế kỷ XXI, Tổng thống MỹDonald Trump đang theo đuổi tham vọng đưa nước Mỹ trở lại vị thế cường quốc sản xuất công nghiệp (hàng hóa công nghệ cao) lớn nhất thế giới với chủ trương “Sản xuất tại Mỹ” (“Made In America”) và “Mua hàng sản xuất tại Mỹ” (“Buy American-Made Goods”. Để thực hiện tham vọng này Tổng thống Donald Trump phải tuyên chiến thương mại với gần như cả thế giới để trước hết là bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, đánh thức khát vọng sản xuất công nghiệp, biến đồng USD của FED thành đồng USD của nước Mỹ, tiếp đến là đưa hàng hóa Mỹ tiếp cận và từng bước kiểm soát thị trường thế giới như quốc gia này đã từng giành được trong thế kỷ XX. Bằng cách đó, Donald Trump muốn tránh cho chu kỳ Mỹ kết cục như chu kỳ Hà Lan trong đầu thế kỷ XIX và chu kỳ Anh đầu thế kỷ XX. 

Lúc này các quốc gia dẫn đầu vai trò lãnh đạo trong chu kỳ châu Á là Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga và ASEAN đã và đang trở thành "công xưởng của thế giới”, bắt đầu hình thành hệ thống tích lũy tư bản mới dựa trên nguyên tắc sản xuất thực (hàng hóa) chứ không dựa trên cơ chế in và phát hành tiền gần như bất tận của các tập đoàn tài chính-ngân hàng Mỹ. Để nắm lấy vai trò chủ đạo trong chu kỳ châu Á, Trung Quốc đang phát huy ảnh hưởng ngày càng chiếm ưu thế trong Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực của các nước châu Á-Thái Bình Dương (RCEP) và nhiều tổ chức quốc tế khác. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 ở Brasil, Nhóm BRICS đã thành lập cơ sở tài chính cho một chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản mới dưới hình thức hai tổ chức tài chính là Ngân hàng phát triển mới và Quỹ dự phòng rủi ro có chức năng bảo đảm sự phát triển ổn định của cấu trúc tài chính mới của thế giới.

Lúc này các nước BRICS đang thực hiện hai nhiệm vụ then chốt.  Một là, xây dựng một hệ thống tài chính thế giới mới thay thế hệ thống tài chính hiện nay dựa trên cơ sở đồng USD đã từng tỏ ra bất lực hoàn toàn trong điều kiện khủng hoảng. Chính những quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vô hình trung tạo thuận lợi cho BRICS. Đó là, trước sức ép từ cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ chống lại gần như cả thế giới, nhiều nước quyết định từ chối sử dụng USD trong giao dịch thương mại. Thổ Nhĩ Kỳ-đồng minh của Mỹ trong NATO và Iran cũng tuyên bố từ chối sử dụng USD. Hai là, bằng mọi cách ngăn chặn nỗ lực của Mỹ đang cố tình gây ra trạng thái bất ổn lâu dài thông qua cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu và trạng thái bất ổn ở nhiều điểm nóng ở Trung Đông, Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Bắc Á.

Do đó, bản chất cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động là cuộc so găng quyết liệt giữa một bên là “Made In Asia” và bên kia là “Made In America”. Nếu cuộc chiến này không thể phân thắng bại thì chiến tranh nóng là khó tránh khỏi bởi chiến tranh là sự kế tục của chính trị, mà chính trị lại là biểu hiện tập trung của kinh tế. Chính vì thế mà Tổng thống Donald Trump đã dành khoản ngân sách quân sự lớn chưa từng có, trên 700 tỷ USD, để xây dựng Quân đội Mỹ thành đội quân hiện đại nhất, lớn nhất và mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử quốc gia này./.

Theo VietTimes