Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm  thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.

Trước đó, Bộ đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần. Theo Bộ LĐ-TB&XH, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Do vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Trước đó, đề xuất trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổng hợp từ các kiến nghị của người lao động cả nước dịp Đại hội Công đoàn lần thứ 13. Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của người lao động xuống còn 40 giờ/tuần. Việc này để đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước. Mục tiêu để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.

Thêm vào đó, theo Luật Lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8h mỗi ngày và 48h mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40h.

Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế, khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48h/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48h giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48h trở xuống.
Mặt khác, ở Việt Nam, thời giờ làm thêm tương đối cao. Chúng ta có quy định giờ làm thêm từ 200 – 300h/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

PV (t/h)