THCL - Ngày 24/3, Đại tá Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết đang khẩn trương điều tra một số vụ giả mạo số điện thoại lãnh đạo tỉnh để mượn tiền từ các ngân hàng.

Vụ gần đây nhất, có một đối tượng sử dụng số điện thoại 0906.xxxxxx gọi trực tiếp vào máy di động của phó giám đốc một ngân hàng thương mại rồi xưng danh là lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang; sau đó nhờ vị phó giám đốc ngân hàng này cho mượn 10 triệu đồng chuyển vào tài khoản của người cháu ở Sài Gòn vì lý do bận họp ở huyện.

Mạo danh lãnh đạo tỉnh để mượn tiền cán bộ ngân hàng - Hình 1

Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại  Ảnh: Báo CAND

Hơn 1 tuần sau, vị "lãnh đạo tỉnh" tiếp tục gọi vào điện thoại của trưởng phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng ở huyện Tân Hiệp để mượn 10 triệu đồng. Một số cán bộ ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng gặp trường hợp tương tự, nhưng người nhận được điện thoại nghi lừa đảo nên không hợp tác.

"Không có lãnh đạo UBND tỉnh nào mà mượn tiền kỳ lạ như vậy nên tôi từ chối thẳng", một cán bộ ngân hàng ở Rạch Giá nói.

Tuy nhiên, mới đây, bà T. T. H., ngụ phường Vĩnh Bảo (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) đã bị mất 1 tỷ đồng vì tin lời các đối tượng này. Vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 3/3/2017, có người gọi điện thoại cho bà H. và tự xưng là đại tá công an ở Hà Nội, thuộc bộ phận chống tệ nạn ma túy.

Trong cuộc nói chuyện, người này cho biết cơ quan công an đã bắt được 3 đối tượng buôn bán chất ma túy, những đối tượng này khai đã chuyển vào số tài khoản của bà H. trên 100 tỷ đồng và đã rút ra. Hiện tại, tài khoản của bà H. còn 3,2 tỷ đồng.

Là người quanh năm buôn bán tại nhà, khi nghe một “đại tá công an” nói vậy, bà H. liền thật thà cho biết, hiện tài khoản ở ngân hàng X.Y.Z chỉ có 500 triệu đồng, chứ không phải 3,2 tỷ như lời của vị “cán bộ công an” nói. Sau đó, vị “cán bộ điều tra” này yêu cầu bà H. phối hợp với cơ quan công an để bắt những cán bộ ngân hàng tiết lộ “bí mật” tài khoản của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu bà H. rút ngay 500 triệu đồng chuyển vào một tài khoản “bí mật” của cơ quan công an. 

Sau đó, đối tượng tiếp tục trao đổi qua điện thoại với bà H. là đang tiến hành bắt cán bộ ngân hàng và hỏi bà H. có mở tài khoản ở ngân hàng khác không. Tưởng thật, bà H. trả lời có mở 1 sổ tiết kiệm 650 triệu đồng tại ngân hàng D., chi nhánh Kiên Giang. Đối tượng tiếp tục yêu cầu bà H. rút số tiền tiết kiệm và chuyển vào tài khoản “bí mật” để phục vụ điều tra.

Với thủ đoạn tương tự, "đại tá" dỏm yêu cầu chị Loan ở phường Vĩnh Bảo (Rạch Giá) chuyển 500 triệu đồng vào sáng 6/3. Người phụ nữ này nghi bị lừa nên báo công an thì "cán bộ điều tra" tắt điện thoại.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Kiên Giang đề nghị người dân cần cảnh giác khi nhận điện thoại của những người tự xưng là công an, cán bộ điều tra hoặc lãnh đạo UBND tỉnh…

Mọi người cần bình tĩnh, yêu cầu người đó cung cấp đầy đủ thông tin về cấp bậc, chức vụ, đơn vị, nội dung làm việc. Nếu mời làm việc phải có giấy mời, nêu rõ thời gian, địa điểm trụ sở rõ ràng. Đối với các cuộc gọi có biểu hiện nghi vấn, đề nghị người dân kịp thời báo ngay cho lực lượng công an phường, xã nơi cư trú để hỗ trợ điều tra. 

Ngọc Linh