Nhập nhằng thương hiệu bảo hiểm gắn với mác nhà băng

LTS: Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra những chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng; đồng thời thông báo sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Cũng từ đây, liên tiếp những sai phạm trong hoạt động tư vấn của các công ty bảo hiểm tại những điểm giao dịch của các ngân hàng bị phát hiện. Những sai phạm được chỉ ra như: Chưa thực hiện đúng quy định của công ty về hướng dẫn khách hàng điền thông tin, kê khai hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; chưa thực hiện đúng quy định của công ty về gặp mặt, giám sát khách hàng ký hồ sơ, tài liệu; lỗi về cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng;…

Một điều đáng chú ý là tất cả các sai phạm đã được chỉ ra đều xuất phát từ việc bán bảo hiểm thông qua hệ thống điểm giao dịch của các nhà băng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các sai phạm trên? Từ nhiều nguồn tin của độc giả gửi đến tòa soạn phản ánh về những khuất tất, bất bình trong quá trình mua sản phẩm bảo hiểm, phóng viên đã tiếp cận nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Tạp chí Thương hiệu và Công luận xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết liên quan đến chuyên đề “Nhập nhằng thương hiệu bảo hiểm gắn với mác nhà băng” như một minh chứng thêm cho chuyên đề này.

“Ngơ ngác” khi đi gửi tiền tiết kiệm

Theo phản ánh của chị Đ.T.T sống tại Hà Nội cho biết: Chị là một khách hàng thường xuyên của Ngân hàng MBank giao dịch tại phòng giao dịch Nghĩa Tân nằm trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đầu tháng 01/2022, như thường lệ chị qua phòng giao dịch để gửi tiền tiết kiệm thì gặp nhân viên tên Hiên, ngồi tại quầy giao dịch của Ngân hàng. Nhân viên này tiếp đón và tư vấn cho chị về sản phẩm tiết kiệm tích luỹ đầu tư của MB.

Trong quá trình tư vấn, chị Hiên liên tục nhắc tới việc gửi tiết kiệm bằng hình thức này sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn, rút tiền linh hoạt hơn.

Vì tin tưởng MB là một ngân hàng uy tín, những gói dịch vụ do Ngân hàng đưa ra chắc chắn sẽ có lợi cho khách hàng nên chị đã không ngần ngại tham gia hình thức tiết kiệm như nhân viên Hiên tư vấn, với mức đầu tư ban đầu là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) theo đúng số tiền chị cầm đến phòng giao dịch với dự định để gửi tiết kiệm.

Góc tư vấn bán hàng của bảo hiểm MB Ageas đặt ngay vị trí cửa ra vào tại một phòng giao dịch của ngân hàng MB Bank trên đường Nguyễn Khánh Toàn
Góc tư vấn bán hàng của bảo hiểm MB Ageas đặt ngay vị trí cửa ra vào tại một phòng giao dịch của ngân hàng MB Bank trên đường Nguyễn Khánh Toàn.

Để hoàn tất thủ tục, nhân viên tư vấn này đã hướng dẫn chị điền một số thông tin, sau đó có đưa cho chị thêm một số giấy tờ khác để ký. Vài ngày sau đó chị có nhận được phong bì gửi theo đường bưu điện, bên trong là một tờ giấy ghi “chứng nhận bảo hiểm” do Công ty MB Ageas phát hành.

“Tôi cũng có thắc mắc về tờ giấy trên, nhưng vì một phần thời điểm đó cận Tết nhiều việc, cùng với việc tôi tin tưởng Ngân hàng MB là ngân hàng uy tín, tôi thường xuyên giao dịch nên sau này đã không để ý đến việc này nữa”. Chị T cho biết thêm.

Cho đến khi đầu năm 2023, chị T có việc phải dùng đến số tiền trên mới liên lạc với nhân viên tư vấn tên Hiên để làm thủ tục rút tiền thì mới biết, toàn bộ số tiền chị gửi đã được đem đi đầu tư và chia ra thành gói bảo hiểm, nếu rút ra trong thời điểm này chị sẽ bị mất gần hết số tiền đó.

Chị T khẳng định, trước đó chị không hề nhận được thông tin từ tư vấn viên liên quan đến việc chị tham gia gói bảo hiểm này.

Sau nhiều ngày khiếu nại bằng điện thoại với chị Hiên là tư vấn viên cho chị trước đó, chị được thông báo: Ngày 17/5/2023 mời chị lên làm việc với đại diện của Ngân hàng.

Khi đến phòng giao dịch tại Nguyễn Khánh Toàn, chị T được chị Hiên giới thiệu làm việc với anh Trung, với chức danh là giám đốc kinh doanh khu vực. Và cũng ngay tại buổi làm việc hôm đó, chị T mới biết được nhân viên tư vấn tên Hiên kia thực chất không phải là người của ngân hàng MB.

Tại đây, chị được anh Trung và chị Hiên cùng giải thích về sản phẩm bảo hiểm mà chị đang tham gia. Cùng với đó là những thiệt hại nếu như chị chấm dứt hợp đồng bảo hiểm này.

Theo đó, với số tiền tôi tham gia ban đầu là 100 triệu đồng, Công ty MB Ageas đã chia gói tiền của chị thành 02 phần, 30 triệu là tổng phí bảo hiểm định kỳ, 70 triệu còn lại là phí bảo hiểm đóng thêm lần đầu. Số tiền 70 triệu này sẽ được đưa đi đầu tư thông qua Công ty MB Capital bằng hình thức đầu tư chứng khoán. Hiện tại thị trường chứng khoán đang xuống dốc, nên nếu muốn rút số tiền này thì sẽ bị lỗ, không còn đủ giá trị 70 triệu chị đã gửi. Số tiền 30 triệu là phí bảo hiểm định kỳ, sẽ phải đóng liên tục trong vòng 6 năm, nếu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm ngay bây giờ thì sẽ mất toàn bộ số tiền ấy.

“Qúa bất ngờ với những thông tin trên, tôi đề nghị giải thích thật rõ một lần nữa về số tiền tôi đã bỏ ra, đồng thời yêu cầu hoàn trả tiền cho tôi nhưng bị từ chối, với lý do tôi đã ký hợp đồng và trước đó nhân viên Hiên đã tư vấn, giải thích cặn kẽ cho tôi về loại hình hợp đồng này rồi”. Chị T chua xót nói.

Ngoài ra, chị T còn cho biết thêm, khi tiếp nhận thông tin từ phía anh Trung và chị Hiên, chị có về kiểm tra lại email của chị mà chị đã cung cấp cho ngân hàng trước đó, chị mới phát hiện ngày 25/01/2022 phía Công ty MB Ageas có gửi cho chị thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Đối chiếu lại toàn bộ chữ ký trong hợp đồng dưới danh nghĩa là khách hàng tham gia bảo hiểm đều là chữ ký sao chép, cắt ghép, không phải là chữ ký thật của chị. Toàn bộ thông tin liên quan đến chị đều được nhân viên âm thầm dựng lên.

“Tôi là người hoạt động xã hội, nếu như những thông tin do nhân viên Hiên kia tư vấn một cách cặn kẽ, chi tiết, liệu rằng tôi có bỏ số tiền của mình ra để tham gia gói hợp đồng bảo hiểm không mong muốn như trên hay không? Nếu việc tham gia là do ý chí mong muốn của tôi thật, vậy tại sao tôi không hề có bất kỳ thông tin nào từ phía Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas thông báo cho tôi mức lãi suất, hoặc khoản lỗ từ phía tiền đầu tư của tôi cho đến khi tôi đến thì mới thông báo về việc sử dụng tiền của tôi để đầu tư?” Chị T cho biết.

Phải nhấn mạnh rằng, đến ngày 17/5/2023 chị T mới biết người phụ nữ tên Hiên - nhân viên thường xuyên tiếp xúc với chị trước đó không phải là người của ngân hàng mà lại là người của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.

Chị T đặt nghi vấn: “Ngân hàng MB đã mặc nhiên để người của Công ty MB Ageas đặt một bàn làm việc, bài trí bàn làm việc giống y trang như nhân viên của Ngân hàng. Cũng chính vì việc này đã làm tôi và những khách hàng khác lầm tưởng, phải chăng đây là sự mập mờ một cách cố ý từ phía Ngân hàng MB cũng như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas để lừa dối khách hàng?”

Bộ tài chính chỉ rõ sai phạm liên quan đến MB Ageas

Ngày 29/6/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận thanh tra số 810/KLBTC về việc thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan hực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh tra hoạt động này tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm trong đó có Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.

Theo đó, kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho ngườikhác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn...

Theo Bộ Tài chính, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Được biết, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa 3 đối tác gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) của Việt Nam, Tập đoàn Ageas từ Bỉ và Công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai từ Thái Lan. Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm của MB Ageas đang được chào bán rầm rộ tại các phòng giao dịch của ngân hàng MB.

Ở bài tiếp theo, tòa soạn Thương hiệu và Công luận sẽ gửi tới độc giả những thông tin khi phóng viên mục sở thị tại một số phòng giao dịch của MB,  với vai người đi gửi tiền tiết kiệm, và những mập mờ mà những nhân viên của ngân hàng này đang cố tình định hướng cho khách hàng khi tham gia giao dịch tại đây.

Còn tiếp....

Tâm An