Steven Kamin, cựu Giám đốc Bộ phận Tài chính Quốc tế của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Mark Sobel, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra vai trò thống trị lâu dài của đồng Đô la là đồng tiền thống trị thế giới.
Các nhà kinh tế cho biết, đồng Đô la là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu trong cả thương mại và dự trữ ngân hàng Trung ương và điều này có thể sẽ tiếp tục như vậy, vì việc sử dụng đồng bạc xanh vượt xa các loại tiền tệ khác.
Theo khảo sát mới nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng đô la chiếm 88% tổng giao dịch hàng ngày trên toàn cầu. Trong khi đó, dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng đô la cũng chiếm khoảng 55% tổng dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu trong quý III/2023, nhiều hơn bất kỳ tiền tệ nào khác.
Một số nhà bình luận đã cảnh báo một loại tiền tệ đối thủ có thể sớm thay thế đồng đô la. Các quốc gia thuộc khối BRICS đã nỗ lực loại bỏ đồng đô la ra khỏi thương mại, trong khi Nga và Trung Quốc đã đề xuất tạo ra một loại tiền tệ mới để thách thức đồng bạc xanh.
Nhưng trên thực tế, các nhà kinh tế cho rằng những mối đe dọa đó khá nhỏ so với mối đe dọa đối với đồng Đô la xuất phát từ chính Mỹ, do nguy cơ “suy thoái nghiêm trọng” về tình hình tài chính và kinh tế của Mỹ.
“Với sự phân cực chính trị của đất nước, sự rối loạn chức năng của Quốc hội Mỹ và sự không quan tâm của các chính trị gia thuộc mọi thành phần trong việc kiềm chế thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng của Mỹ, điều này khó có thể tưởng tượng được…Và nếu kết quả là lạm phát gia tăng kéo dài, đầu tư tư nhân bị lấn át, biến động tài chính tăng cao và giảm tính năng động của nền kinh tế Mỹ, thì việc mất đi sự thống trị của đồng đô la sẽ là điều dễ xảy ra”, các nhà kinh tế cho biết.
Một rủi ro khác bắt nguồn từ sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt. “Trong trường hợp đó, thương mại, năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị suy giảm và những tác động đối với sự ổn định chính trị và quân sự quốc tế cũng sẽ bất lợi”, ông Steven Kamin cho biết.
Các nhà kinh tế khác cũng đã cảnh báo tình hình tài chính bấp bênh của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho vị thế dẫn đầu của đồng đô la trên thị trường toàn cầu. Theo dự báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt ngân sách liên bang đang trên đà đạt mức 1.600 tỷ USD trong năm nay và 2.600 tỷ USD trong 10 năm tới.
Hà Trần (t/h)