THCL - Tổng thống Obama không coi Putin là bạn của nước Mỹ, thái độ công kích thay đổi nhanh chóng chỉ sau một kỳ bầu cử.

Chỉ còn vài ngày nữa, ông Barack Obama chính thức rời ghế Tổng thống Mỹ. Nói chuyện với ABC News, ông Obama thể hiện thái độ công kích rõ ràng Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ thù" và cảnh báo người dân cũng như Tổng thống đắc cử Mỹ thức tỉnh.

Ông Obama đã nhắc lại thêm một lần nữa rằng Nga đã lên kế hoạch để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. “Tôi nghĩ rằng, Nga đã lên kế hoạch làm điều gì đó và thực sự là họ đã làm. Một trong những điều tôi cố thuyết phục tổng thống đắc cử đó là xây dựng mối quan hệ vững chắc với các cơ quan tình báo" - ông nói.

Mọi nỗ lực của Obama với Putin đều vô vọng - Hình 1

Ông Obama không đánh giá thấp Putin, nhưng ông Putin không phải là bạn của nước Mỹ.

Theo Tổng thống Mỹ, ông đã công bố một báo cáo tình báo được rút ngắn của Mỹ về hành động xâm nhập mạng của Nga "để đảm bảo rằng chúng ta hiểu đây là một việc mà ông Putin đã làm trong một thời gian đáng kể ở châu Âu, ban đầu ở các quốc gia chư hầu cũ, nơi có rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng ngày càng gia tăng trong các nền dân chủ phương Tây".

Sau đó, vị Tổng thống nhắc về tinh thần dân tộc. Ông Obama cho rằng, "có những đảng viên Cộng hòa, chuyên gia hay nhà bình luận dường như tin vào Vladimir Putin hơn là người Mỹ đảng Dân chủ".

"Chúng ta phải nhớ rằng, chúng ta đang ở cùng một đội, Vladimir Putin không thuộc đội của chúng ta. Nếu chúng ta thân thiết với lãnh đạo của quốc gia coi Mỹ là mối đe dọa, chúng ta sẽ có các vấn đề lớn hơn là tấn công mạng” - ông tiếp.

Năm 2012, ông Obama từng chế giễu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney vì Romney cho rằng Nga là kẻ thù lớn của nước Mỹ. Nhắc lại sự việc này, đương kim Tổng thống Mỹ nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng tôi đánh giá thấp ông ấy".

Khi mới nhậm chức, ông Obama đã hy vọng thiết lập lại quan hệ với ông Putin nhưng trong những tháng gần đây, Mỹ đã trực tiếp cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ bằng cách tấn công email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch của Hillary Clinton, nhằm đẩy mạnh cơ hội chiến thắng cho Donald Trump.

Tổng thống Obama cũng cố cảnh báo các đồng minh khác như Đức và Pháp, những nước chuẩn bị có bầu cử tổng thống mới vào năm 2017, về sự can thiệp của Nga.

Càng về những ngày cuối cùng, ông Obama càng tỏ ra quyết liệt công kích các động thái từ Nga và sự ảnh hưởng của yếu tố Nga trong lòng nước Mỹ. Trả lời trên truyền hình hãng ABC News hôm 8/1 là động thái mới nhất cho thấy sự gay gắt này. Ông Obama đang kết thúc những ngày cuối nhiệm kỳ một cách khó khăn và phẫn nộ bởi những yếu tố tác động từ phía Đảng Cộng hòa và Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bên cạnh các di sản mà ông Obama để lại cho nước Mỹ trước nguy cơ bị Đảng Cộng hòa phá vỡ, yếu tố Nga lại là một điều khiến vị Tổng thống da màu trong suốt nhiệm kỳ của mình muốn thúc đẩy nhưng đã phá vỡ trong phút chót. Lời cảnh báo người dân Mỹ dường như là những tiếng kêu thống thiết cuối cùng của ông khi còn trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Khi những cuộc tranh luận về tấn công mạng, tấn công bầu cử Tổng thống còn chưa đi tới hồi kết, Tổng thống đắc cử Donald Trump khó có khả năng dỡ bỏ trừng phạt cho Nga nhưng ông sẽ ngày càng nỗ lực để thực hiện các lời hứa xích lại gần Nga của mình. Chưa kể, nếu Quốc hội Mỹ không đồng ý dỡ bỏ các cấm vận, ông Donald Trump hoàn toàn có thể kết nối với người Nga bằng cách "đi cửa sau" như phương Tây đã làm trước đây.

Đông Phong - Baodatviet