Thời gian qua, Thương hiệu & Công luận nhận được hồ sơ tài liệu của chị Nguyễn Thị Hường (SN 1982, thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh, Việt Yên, Bắc Giang). Theo chị Hường thì, ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Phòng Hậu cần và Trang thiết bị (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), đã nhận giúp chị Hường “chạy” cô-ta (giấy phép xuất khẩu). Số tiền để lo lót việc ông Tiến “chạy” cô-ta giúp chị Hường là 3 tỷ đồng? Cũng theo chị Hường, khi nhận đủ số tiền, nhưng ông Tiến đã không giúp được…
Nhằm minh bạch thông tin, đồng thời góp phần giữ gìn truyền thống của lực lượng công an nhân dân, Thương hiệu & Công luận sẽ lần lượt đăng tải loạt bài nhằm cung cấp đầy đủ tình tiết về sự việc.
Bài 1: Mối quan hệ…
Chị Hường là Giám đốc Công ty TNHH-MTV Tuyết Hường (trụ sở tại Bắc Giang). DN do có mối xuất khẩu hàng nông sản thường xuyên ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), cho nên phải cần đến giấy phép xuất khẩu (cô-ta) để tiện cho việc giao dịch.
Trong lúc khó khăn không biết trông vào đâu, vợ chồng chị Hường chợt nhớ ra, mình có người bác (họ xa bên chồng) là ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Phòng Hậu cần, Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy - Công an Hà Nội. Như tìm được vị cứu tinh, vợ chồng chị Hường lập tức ra ngay Hà Nội, tìm đến nhà của ông Nguyễn Văn Tiến, số nhà 91A (Lý Nam Đế) để nhờ vả, đó là vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2012.
Tuy là họ xa, nhưng gia đình hai bác cháu nhà ông Tiến và chị Hường càng ngày, đi lại với nhau càng thân mật và cũng vì thế, độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai gia đình là rất cao. Chẳng thế mà, có những lúc vợ chồng chị Hường đi vắng xa nhà, thường mang cả đống tiền đến nhà ông Tiến để gửi, khi về mới xin lại. Gặp gỡ, nghe vợ chồng người cháu trình bày những khó khăn về lâu dài trong việc làm ăn của mình, ông Tiến hiểu thấu được sự việc nên suy nghĩ tìm cách giúp cháu…
Ngày 5/5/2012, ông Tiến điện thoại cho cháu trai Đỗ Văn Tỵ (chồng chị Hường): “Cháu mang giấy tờ liên quan tới công ty và kèm theo 50 triệu đồng ra Hà Nội ngay”. Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng như Công ty TNHH-MTV Tuyết Hường không có giấy phép, nay có người đứng ra nhận giúp thì mừng quá còn gì? Lập tức, chị Hường đáp xe về Hà Nội để gặp bác mình – ông Nguyễn Văn Tiến. Gặp nhau, ông Tiến cho vợ chồng chị Hường số điện thoại của người có tên là Hùng và giới thiệu “đây là em kết nghĩa của mình”.
Vợ chồng chị Hường đem theo đầy đủ giấy tờ cần thiết để phục vụ cho việc xin cấp giấy phép xuất khẩu, cùng với số tiền như ông Tiến đã dặn. Đến số nhà N399 đường Lê Duẩn, phường Cửa Nam (Đống Đa, Hà Nội), vợ chồng chị Hường được cô Nguyệt (thư ký của ông Hùng) đưa tới gặp ông Hùng. Sau một hồi đôi bên giới thiệu và trò chuyện với nhau, vợ chồng chị Hường đã đưa toàn bộ hồ sơ và số tiền đến ông Hùng theo như chỉ dẫn của ông Tiến. Mặc dù còn hoài nghi việc giao dịch với ông Hùng, nhưng vợ chồng chị Hường được bác mình (ông Tiến) giải thích “chú ấy như bác nên các cháu yên tâm tuyệt đối, không phải suy nghĩ gì”.
Chính lời động viên và khẳng định “như đinh đóng cột” của ông Tiến, khiến vợ chồng chị Hường tin tưởng hơn nên khi giao tiền cũng không cần giấy biên nhận? Và rồi, vợ chồng chị Hường đã tự cảm thấy phần nào an tâm cho việc chạy giấy phép xuất khẩu… Buổi tối hôm đó, một cuộc gọi điện của ông Tiến cho vợ chồng chị Hường khẳng định rằng “sự việc sẽ giải quyết trong vòng 1 tuần là xong”, càng khiến chị Hường vui vẻ, phấn chấn hơn, vì công việc khó khăn trong làm ăn đã được tháo gỡ...
Cuối đơn, chị Nguyễn Thị Hường đã tỏ ra rất cương quyết: “Bằng đơn này, tôi kính đề nghị ông Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội có chỉ đạo điều tra xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Văn Tiến, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ chồng tôi để giữ nghiêm kỷ cương phép nước”. |
Trọng Phong