Nỗ lực của Chính phủ nhiệm kỳ qua đáng ghi nhận và ngưỡng mộ
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Lộc, chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) và cũng là chuyên gia hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền. TS. Lộc cho rằng: Từ góc độ hoàn thiện thể chế pháp luật, trong bối cảnh toàn cầu chịu đựng những cú sốc chưa từng có như dịch bệnh COVID-19, có thể thấy, những nỗ lực của Chính phủ đã từng bước nâng cao chất lượng của hệ thống thể chế pháp luật, đặc biệt là hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh.
Các quy định pháp luật đang dần tạo ra hành lang an toàn và minh bạch, tạo điều kiện, niềm tin và động lực để người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm kinh doanh sản xuất. Điều này tạo ra nội lực vững vàng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nội địa, củng cố hệ thống an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự xã hội.
Việc Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận thương mại quốc tế, đặc biệt là CPTPP và EVFTA trong nhiệm kỳ vừa qua, dấu ấn chứng minh sự hội nhập và uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc trở thành một thành viên có trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng thế giới.
“Tôi đặc biệt ấn tượng với nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ, khi không chỉ quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, mà còn cởi bỏ những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Ví dụ, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Những hoạt động này đã tạo ra kết quả tích cực làm cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vững tâm và tin tưởng vào cam kết và hành động trong thực tế của Chính phủ Việt Nam”, TS. Nguyễn Lộc nói.
Những thành quả của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua chính là nền tảng vững chắc, tạo đà để Chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo tiếp tục đưa Việt Nam vững bước trên con đường phát triển, từng bước trở thành một quốc gia thịnh vượng, một đối tác thân thiện, đáng tin cậy và văn minh của cộng đồng quốc tế.
Một nhiệm kỳ thành công vượt bậc
TS. Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy, chỉ r aba điểm nhấn thành công nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.
Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng và Nhà nước, cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta đã vượt qua 3 làn sóng dịch bệnh COVID-19 một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế Việt Nam lọt top những nền kinh tế phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh mà còn tăng trưởng dương, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ hai về cải cách thủ tục hành chính, trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cắt giảm hàng nghìn thủ tục, điều kiện kinh doanh (giấy phép con), triển khai Chính phủ điện tử nhằm tạo điều kiện thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp xã hội được đóng góp vào công tác này. Việc làm này rất nhân văn. Dịch COVID-19 đã khiến cho hơn 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng, giảm thu nhập, mất việc. Chính phủ kịp thời triển khai gói hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hơn 800.000 người được trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tạo điều kiện, khuyến khích một số tổ chức xã hội cùng tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, dần từng bước xã hội hóa công tác này và đạt được một số thành tựu rất đáng ghi nhận…
Có thể nói, nhiệm kỳ đã qua là một nhiệm kỳ Chính phủ đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần tạo tiền đề, nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước cũng như cho một nhiệm kỳ Chính phủ mới.
TS, Lê Trung Tuấn bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành quả của Chính phủ tiền nhiệm, sáng tạo, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế, chính sách, kinh tế, xã hội… để Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường trong môi trường quốc tế đa chiều và hội nhập mạnh mẽ.
Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Từ góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc Đối ngoại, Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, nhấn mạnh đến những hành động quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm, ông Nam đánh giá cao việc thay đổi Nghị định 38 sang Nghị định 15. “Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của cả nước, thay đổi toàn diện cách thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm để cho phép ngành thực phẩm và đồ uống có thể thay đổi tiếp cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để tập trung kiểm soát các nguy cơ rủi ro tại nguồn”, ông Nam đánh giá.
Trước Nghị định 15, doanh nghiệp thường phải chuẩn bị ít nhất 11 loại giấy tờ để đáp ứng được các thủ tục về an toàn thực phẩm, tuy nhiên hiện thủ tục này đã được tinh giảm và có thể tự công bố online một cách gọn nhẹ. Với sự thay đổi này, 90% thực phẩm nhập khẩu không cần kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm đến 90% các loại phí hành chính, tiết kiệm khoảng 3 triệu ngày làm việc cho các doanh nghiệp. Ông Nam tin rằng, với sự thay đổi này, lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ ngày càng tốt hơn và doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu khi các tiêu chuẩn Việt Nam ngày càng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Cao Hoàng Nam cũng đánh giá cao kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, giúp các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các dịch vụ hành chính công. Hiện nay nhiều dịch vụ công có thể cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Càng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, càng tạo ra hiệu quả cao trong quản lý hành chính và mội trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp. “Đây có thể coi là dấu ấn và nền tảng để Việt Nam tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số trong một tương lai không xa”, ông Nam nói.
Ông Nam kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục duy trì và trao nhiều quyền hơn nữa cho Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng để có những cải cách sâu rộng, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai Chính phủ điện tử với hệ thống hành chính công mức độ 4 để doanh nghiệp và người dân có thể cùng song hành tiến đến kỷ nguyên xã hội số.
Mong có nhiều chính sách mới phù hợp với xu hướng toàn cầu
Ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch HTX Đông Cao, huyện Mê Linh, Hà Nội, đặc biệt đánh giá cao những bước tiến trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó là xây dựng, phát triển các HTX chuyển đổi theo luật năm 2012, tạo hiệu ứng trong phát triển nông nghiệp mang tính bền vững.
Ông Đua cho rằng nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, cải cách thể chế của Chính phủ đã tạo cơ chế thị trường phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu hướng thế giới, tạo sự gắn kết và phát triển theo chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế chung của cả nước.
Ông Đua hy vọng trong thời gian tới Nhà nước, Chính phủ sẽ có nhiều chính sách mới phù hợp với xu hướng toàn cầu, gắn chặt với quyền lợi của người lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người dân của các địa phương. Đồng thời đưa chính sách đến gần hơn với người dân, để người dân nắm rõ hơn định hướng phát triển sản xuất; tận dụng mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp bền vững, tránh tình trạng bỏ đất hoang hóa, dư thừa tài nguyên.
Theo CP