THCLCơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế; Quy định về 4 ngạch công chức quản lý thị trường... là một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực từ 25/12/2016 (Ảnh minh họa)
1. Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế
Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác sẽ có hiệu lực từ 20/12/2016.
Nghị định này quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác.
2. Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng
Có hiệu lực từ 1/12/2016, Nghị định 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Việt Nam.
3. Phạt nặng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Nghị định 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán có hiệu lực từ 15/12/2016. Theo đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 400 - 700 triệu động đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. 4 ngạch công chức quản lý thị trường
Theo Nghị định 148/2016/NĐ-CP ngày 04/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực từ 25/12/2016, có 4 ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: 1- Kiểm soát viên cao cấp thị trường; 2- Kiểm soát viên chính thị trường; 3- Kiểm soát viên thị trường; 4- Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
5. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ
Theo Nghị định 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ có hiệu lực từ 15/12/2016, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
T. Nguyên