THCL Tăng giá điện, thiếu điện… luôn là nỗi lo thường trực của người dân, nhất là vào mùa hè. Kèm theo đó là nỗi bực dọc khi mua phải máy phát điện giả, nhái, kém chất lượng…

Loạn giá, náo nhiệt

Mới vào mùa hè, máy phát điện đã được bày bán tràn lan, từ trên mạng xã hội đến các tuyến phố và giá cũng… loạn. Cùng một chiếc máy phát điện Tiger EC2500, nhưng mỗi nơi bán một giá. Nếu như một cửa hàng thiết bị điện máy trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), chiếc máy này được bán với giá 7 triệu đồng thì trên mạng Internet, được chào bán với giá từ 5 - 12 triệu đồng.

Máy phát điện Honda EP 6500PX được bày bán tại phố Trần Duy Hưng, với giá 19 triệu đồng, trong khi tại Siêu thị điện máy Topcare, chiếc máy này được bán với giá 16 triệu đồng.

“Năm nay được dự báo sẽ thiếu điện nên nhà tôi đi tìm mua máy phát điện sớm để khỏi phải mua đắt khi cháy hàng. Tuy nhiên, tham khảo trên thị trường thì thấy mỗi nơi một giá. Cùng một hãng, nhưng bán chênh nhau tới mấy triệu đồng. Hàng đắt liệu đã thật? Hàng rẻ chắc gì đã là giả? Chẳng biết thế nào nữa, thôi thì trông vào may rủi”, một người dân chia sẻ.

Dù giá cả máy phát điện mỗi nơi một kiểu, dù chưa vào thời điểm mất điện thường xuyên, chưa vào dịp nắng nóng kéo dài, song thị trường máy phát điện đã hết sức náo nhiệt. Theo chị Lê Thị Oanh, chủ cửa hàng máy phát điện trên Đường Láng, mỗi ngày cửa hàng nhỏ của chị tiêu thụ được khoảng 20 - 30 chiếc máy phát điện gia đình. Theo thống kê trên hệ thống đơn hàng online của Công ty Thiết bị điện Toàn Cầu KTP thì chỉ tính riêng trong tháng 4, DN đã phân phối được hơn 1.000 máy phát điện mini các loại. Nhu cầu cao nên việc “thổi giá” là điều tất yếu…

Thật - giả lẫn lộn

Để phân biệt máy phát điện thật, giả, kém chất lượng… là việc làm không dễ. Người tiêu dùng căn cứ vào các thương hiệu nổi tiếng như Huyndai, Honda, Kama.. nên nhiều khi giá cả các cửa hàng có chênh nhau vẫn tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, chưa hẳn tất cả các máy phát điện dán thương hiệu của các hãng có tên tuổi là hàng chuẩn?

Ông Vũ Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Năm 2013, gia đình tôi mua một chiếc máy phát điện, giá gần 30 triệu đồng, dùng chưa được 3 lần đã hỏng. Khi mang đến hãng bảo hành mới biết máy mình mua không phải hàng chính hãng nên không được bảo hành. Năm 2014, tôi lại phải mua chiếc máy khác, giá chỉ bằng nửa chiếc máy cũ nhưng chất lượng tốt hơn hẳn”.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều máy phát điện không rõ nguồn gốc được dán mác của các thương hiệu có tên tuổi trước khi tung ra thị trường. Những chiếc máy này có giá chỉ bằng 30% máy chính hãng, nhưng nhiều khách hàng vẫn phải mua bằng giá hàng chính hãng.

Nguy cơ chập, cháy, nổ từ máy phát điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, tuy nhiên, bất chấp tính mạng người tiêu dùng, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại máy này.

Một số kỹ sư khuyến cáo: “Nếu như dùng máy phát điện không bảo đảm, nguy cơ cháy nổ là rất cao. Hiện nay, nhu cầu sử dụng máy phát điện gia đình chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Đây cũng là khu vực có diễn biến phức tạp về cháy nổ. Việc quản lý chặt chẽ các mặt hàng này là vô cùng quan trọng”.

Để bảo đảm quyền và lợi ích của người tiêu dùng, phòng chống cháy nổ, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát mặt hàng này, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài, nguồn điện không đủ cung ứng

Bình Thanh