Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện trạng thái ENSO (bao gồm hiện tượng El Nino và La Nina) đang ở giai đoạn trung tính. Từ cuối tháng 7 - 9, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65 - 75%. Từ tháng 10 - 12, La Nina xuất hiện với xác suất khoảng 70 - 90%. Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.
"Từ nay đến cuối năm xuất hiện từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó cho công tác phòng, chống bão", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.
Ngoài ra, khoảng tháng 7 - 8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 9 - 11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10 - 30%. Từ tháng 7 - 9, lượng mưa ở Trung Bộ tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 10 - 20% và từ tháng 10 - 12, lượng mưa có khả năng tăng từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
Mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã tổ chức một hội thảo trực tuyến vào ngày 3/7 về mối đe dọa của La Nina khi Bão Beryl, cơn bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 và là cơn bão sớm nhất được ghi nhận đạt cấp độ tối đa - cấp 5 của Thang Saffir-Simpson đang xé toạc vùng phía đông Caribe.
Bà Anne Claire Fontaine, một quan chức khoa học của WMO cho biết, lý do khiến Beryl phát triển sớm như vậy trong mùa bão này là do MDR đang đạt nhiệt độ ấm nhất từ trước đến nay. Nhiệt độ nước biển phá kỷ lục khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh lên nhanh hơn, đang thúc đẩy việc hình thành một mùa bão rất nguy hiểm.
La Nina - một kiểu khí hậu bắt đầu với nhiệt độ đại dương lạnh hơn bình thường ở vùng xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương, có liên quan đến cả lũ lụt và hạn hán, cũng như sự gia tăng tần suất các cơn bão ở vùng Caribe.
Theo các chuyên gia khí tượng, cả La Nina và El Nino đều liên quan đến sự nóng lên của bề mặt vùng nhiệt đới Thái Bình Dương và có thể ảnh hưởng đến dòng phản lực phía trên Thái Bình Dương, gây ra những tác động tốn kém đến nền kinh tế khu vực khi làm tổn thương các loại cây trồng như lúa mì, lúa gạo và ngô. Cả 2 kiểu thời tiết này đều có xu hướng kéo dài từ 9 - 12 tháng và thường xảy ra từ 2 - 7 năm 1 lần, mặc dù chúng không có lịch đều đặn.
Thiên Trường (t/h)