Theo báo cáo mới đây của Công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam), tổng doanh thu từ 5 sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo trong nửa đầu 2024 đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng Việt đã chi tiêu gần 800 tỉ đồng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử này. 

Mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và các sàn thương mại điện tử liên tục ra mắt với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Chỉ với vài cú click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng sở hữu những món đồ yêu thích mà không cần phải mất thời gian, công sức đi khắp nơi để chọn lựa. Sự tiện lợi này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm cơ bản mà còn thúc đẩy một thói quen mua sắm bốc đồng, đôi khi không cần thiết, đặc biệt là ở giới trẻ.

Trước đây, người tiêu dùng thường chỉ mua sắm khi thật sự cần. Nhưng ngày nay, với sự bùng nổ của các chiến lược marketing tinh vi như flash sales, giảm giá sốc, và mã giảm giá độc quyền, việc mua sắm không còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế mà bị chi phối bởi cảm xúc và những tác động tức thời. Các bạn trẻ, nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc với Internet thường dễ bị cuốn vào "vòng xoáy" mua sắm, chỉ cần nhìn thấy món hàng được quảng cáo bắt mắt hoặc được giới thiệu bởi influencer yêu thích là lập tức "chốt đơn" mà không suy nghĩ. 

Là một sinh viên sống xa gia đình, bạn Trần Ngọc Huyền (20 tuổi, Cầu Giấy) từng hối hận vì đã đặt quá nhiều đồ không cần thiết “Mỗi tháng mình có khoảng 3 - 4 triệu đồng nhưng mình lại dành hết số tiền ấy để mua hàng online và đến cuối tháng, hàng về quá nhiều mình thậm chí đã không còn tiền và phải ăn mì tôm để sống qua ngày. Vì đặt theo sự hứng thú nên có rất nhiều món đồ đặt về mình thậm chí không dùng luôn, những bộ quần áo còn nguyên mác chẳng hạn, nhưng vì lỡ đặt rồi nên mình cũng phải chấp nhận”. 

Phải ăn mì tôm cuối tháng vì tiêu quá nhiều tiền mua hàng online
Phải ăn mì tôm cuối tháng vì tiêu quá nhiều tiền mua hàng online ( Ảnh minh họa bằng Ai: Phương Anh - Đông Viên)

Bạn Anh Thư (17 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi tháng, mình thường dành ra khoảng trên dưới 1 triệu, có tháng nhiều thì 2 triệu đồng cho việc mua sắm. Nhiều khi mình không biết mình có thực sự cần món đồ đó không nhưng mình vẫn quyết định mua vì nó cuốn hút mình. Hay nhiều lúc mình xem được những review của các bạn influencers, mình cũng muốn được trải nghiệm các mặt hàng giống các bạn ấy nên mua theo”.

Anh Thư vẫn săn sale đồ mỹ phẩm mới dù không thiếu và không thực sự cần ngay
Anh Thư vẫn săn sale đồ mỹ phẩm mới dù không thiếu và không thực sự cần ngay (Ảnh: Phương Anh)

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề nổi bật hiện nay là việc nhiều bạn trẻ còn thiếu kỹ năng quản lý tài chính, chưa biết kiểm soát chi tiêu, điều này dẫn đến thói quen tiêu dùng không kiểm soát. Khi người trẻ tiêu tiền một cách bừa bãi, không tính toán đến nhu cầu thực tế mà chỉ chạy theo cảm xúc hoặc các chiêu thức khuyến mãi, họ dễ dàng rơi vào tình trạng nợ nần, làm ảnh hưởng đến phần tài chính cá nhân. 

Anh Hảo Hảo (23 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Có thời điểm mình đã vay tín dụng ngân hàng và phải trả góp để mua một món đồ khi shopping online. Thời điểm đó dù đang không có đủ tiền để chi trả nhưng mình thấy món hàng đó giảm giá rất sâu, rẻ hơn so với mua trực tiếp tại cửa hàng nhiều nên mình sợ nếu không mua luôn sẽ bỏ lỡ giá tốt vì vậy mình quyết định vay trả góp ngân hàng.”

Vay trả góp để mua hàng online
Vay trả góp để mua hàng online (Ảnh: Nhân vật cung cấp (Chụp màn hình))

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hải - Giảng viên môn Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Ở góc độ vĩ mô, tỷ lệ tiết kiệm của người trẻ thường thấp do họ tiêu dùng phần lớn thu nhập kiếm được. Điều này có lợi cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn (tăng tiêu dùng), nhưng không có lợi cho phát triển kinh tế trong dài hạn (do tiết kiệm thấp nên nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế). Các nền tảng thương mại trực tuyến cũng có xu hướng cung cấp tín dụng tiêu dùng nếu không kiểm soát tốt chi tiêu thì gánh nặng tín dụng tiêu dùng là rủi ro với nhiều người trẻ”.

Bàn về giải pháp giúp các bạn trẻ có thể quản lý chi tiêu hiệu quả hơn, TS Nguyễn Phúc Hải chia sẻ: “Các bạn trẻ nên trang bị kiến thức về lập kế hoạch tài chính cá nhân. Cụ thể, nên có ngân sách cho các khoản chi thường xuyên và ngân sách cho các khoản chi bất thường, và nên tuân thủ kỷ luật ngân sách”.

Phương Anh - Đông Viên