Đó là ý kiến được các doanh nghiệp (DN), chuyên gia đưa ra tại tọa đàm công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP. HCM trong 25 năm qua - do Sở Du lịch tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, Phó giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Qua 25 năm, lượng khách quốc tế đến TP tăng hơn 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước; khách du lịch nội địa đến TP tăng hơn 24 lần; tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP chiếm khoảng 11%; doanh nghiệp lữ hành của TP tăng nhanh về số lượng và chất lượng, tăng 28,4 lần; số lượng cơ sở lưu trú tăng 34,75 lần; số lượng hướng dẫn viên du lịch cũng tăng nhanh.

Muốn bứt phá, TP. Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng chiến lược để phát triển du lịch - Hình 1

Quang cả buổi tọa đàm (Ảnh Thanhuytphcm)

Bà Hoa cũng cho rằng hiện nay, công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP đang đứng trước những thuận lợi. Đó là Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển ngành du lịch. Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy du lịch thông minh phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn một số thách thức như: Chưa có chiến lược phát triển ngành du lịch TP; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết để hình thành sản phẩm du lịch có tính liên hoàn; công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu chuyên nghiệp nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, khẳng định, TP. HCM sở hữu quá nhiều sản phẩm, nhiều đến mức không biết phải làm gì, không biết cần đẩy cái nào trở thành sản phẩm đặc trưng, đặc thù. Cũng vì chưa có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng nên trong những năm qua, dù Sở Du lịch TP đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch nhưng hầu hết đều sai hướng.

Cụ thể, được kỳ vọng là nơi “hút” du khách, nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động, phố đi bộ Bùi Viện đã trở thành “phố nhậu”, “phố ngồi”. Các sản phẩm như ẩm thực đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố, sự kiện văn hóa quần chúng mà qua đó khách du lịch có thể cảm nhận được văn hóa, truyền thống, nét đặc sắc của TP.HCM nói riêng, cũng như VN nói chung, hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Tình trạng cũng xảy ra tương tự với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Giờ khách đến TP muốn xem xiếc, ca nhạc cũng không biết đi đâu, đến chỗ nào.

Hay như định hướng phát triển du lịch đường sông, TP đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp cứ đầu tư vào đường sông là lỗ, sản phẩm chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

“TP cần nhanh chóng có thống kê, đánh giá, định hướng để quy hoạch thị trường, từ đó phân loại sản phẩm. Nếu không phân tích kỹ sẽ dẫn đến kẹt sản phẩm, đánh mất thị trường, lỡ thời cơ phát triển”, ông Kỳ cảnh báo.

PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - ĐH Quốc gia TP. HCM, đánh giá các sản phẩm du lịch tại TP. HCM đang theo kiểu “bình mới rượu cũ”, các tuyến điểm, chương trình tour được thay tên, quảng cáo mới nhưng bản chất nội dung vẫn vậy. Điều này bắt nguồn từ việc các đơn vị kinh doanh lữ hành đang dừng lại ở mức thỏa mãn, khai thác những cái cũ theo cơ hội của thị trường là chính, chứ chưa sáng tạo.

Bà Thúy cũng lưu ý phải đồng thời xây dựng được thương hiệu điểm đến, định vị thương hiệu và định vị sản phẩm du lịch phải đồng nhất. Bà gợi ý TP. HCM cần xây dựng những tour du lịch ngắn có chủ đề, mỗi chủ đề cần một số sản phẩm nổi trội gắn với một số giá trị cốt lõi, mang bản sắc của TP. Không xây dựng sản phẩm kiểu dàn trải, nhiều nhưng mờ nhạt như hiện nay.

PGS. TS. Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, chỉ ra những điểm hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP: Mặc dù được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên cho đến nay, TP. HCM lại là địa phương đi sau nhiều địa phương thực hiện xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. TP. HCM vẫn đang trong quá trình xây dựng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. HCM giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh sắp kết thúc giai đoạn phát triển đến năm 2020 và Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo đó sẽ không còn quy hoạch ngành ở cấp tỉnh.

Muốn bứt phá, TP. Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng chiến lược để phát triển du lịch - Hình 2

Các doanh nghiệp đề nghị TP. HCM cần có chiến lược dài hơi để ngành du lịch phát triển xứng tầm

Sở Du lịch TP, chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo đột phá cho du lịch TP để TP. HCM trở thành điểm đến “du lịch không ngủ” và tạo những sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố như du lịch mua sắm, du lịch sinh thái cộng đồng Cần Giờ…

Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về du lịch phải có được nhận thức đầy đủ và sự đồng thuận của xã hội đối với phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn. TP cần sớm xây dựng và thông qua chiến lược phát triển du lịch của TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, TP cần sớm rà soát lại hệ thống sản phẩm du lịch và có chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm, tiềm năng về tài nguyên du lịch và vị trí của TP trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nói chung và ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Bên cạnh đó, với sản phẩm vùng TP phải xác định đâu là hướng tuyến và liên kết vùng về sản phẩm du lịch, tính toán trên hướng tuyến chính để định vị lại các sản phẩm du lịch vùng… TP cũng phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý du lịch.

Gợi ý một số giải và khuyến nghị thúc đẩy ngành du lịch TP phát triển bền vững TS. Võ Sáng Xuân Lan, Đại học Công nghệ Sài Gòn cho rằng, TP. HCM nên nghiên cứu thêm những sản phẩm, hoạt động du lịch mới mẻ, mang bản sắc dân tộc và có dấu ấn riêng của TP để thu hút du khách đến và ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn…

Rõ ràng, việc phát triển TP. HCM trở thành Trung tâm du lịch lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và quốc tế, cần sự chung tay của nhiều sở ngành khác nhưng đơn vi chủ động trong sự phát triển này vẫn là Sở Du lịch TP. HCM.

Mặt khác, TP phải xác định sản phẩm du lịch chủ lực của TP và có chính sách hỗ trợ để các sản phẩm du lịch phát triển hiệu quả. Với sản phẩm vùng phải xác định đâu là hướng tuyến và liên kết vùng về sản phẩm du lịch, tính toán trên hướng tuyến chính để định vị lại các sản phẩm du lịch vùng và trên cơ sở đó các lực lượng du lịch phải đi theo. Ngoài ra, TP tính toán ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý du lịch.

Phát biểu tại buổi tạo đàm, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh: Trong 25 năm qua, xuất phát từ tư duy dám dấn thân và khai phá, trong quá trình làm du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và người dân luôn mang suy nghĩ và tư duy sáng tạo. Vì vậy, các ý kiến tại buổi tạo đàm đã giúp ngành du lịch TP thu hoạch được nhiều điều và Sở ghi nhận các ý kiến để trong quá trình tham mưu cho TP có những giải pháp phù hợp theo nhu cầu phát triển của du lịch TP.

Hải Đăng