Thành phố Vũng Tàu: Du lịch sẽ “Xanh – Sạch – Đẹp

Bà Trương Thị Hường, Phó chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu (Ảnh: Nhật Nguyệt)

PV: Xin bà cho biết, với vị trí cho phép, TP. Vũng Tàu đã làm và đạt được kết quả ra sao trong ngành du lịch của tỉnh?

Bà Trương Thị Hường:Sau hơn 2 năm kiên trì nói không với buôn bán hàng rong, ăn nhậu nơi công cộng, bộ mặt du lịch thành phố Vũng Tàu đã đổi thay tích cực: Bãi biển thông thoáng, ngăn nắp, sạch đẹp; tình trạng tụ tập ăn nhậu, xả rác không còn; người dân và du khách đều phấn khởi, đồng thuận và dành nhiều tình cảm cho Vũng Tàu. Từ Vũng Tàu, đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc...

Từ đây, các địa phương trên cũng bắt tay vào chỉnh trang, sắp xếp, tổ chức lại dịch vụ bãi tắm, dẹp nạn hàng rong, vận động, tuyên truyền để du khách và người dân cùng chung tay giữ gìn, cải thiện môi trường du lịch.  

Những năm qua, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch thành phố Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ phát triển của ngành du lịch tăng rất cao. Năm 2017, đón và phục vụ khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt tỷ trọng 11%, đặc biệt là khách quốc tế trú đông tăng cao vào dịp cuối năm.

Ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng đúng hướng, khai thác tốt các lợi thế của địa phương, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, với mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao cũng như phát triển du lịch thánh nền kinh tế mũi nhọn đúng theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Du lịch Vũng Tàu đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác kinh doanh với nhiều loại sản phẩm du lịch đa dạng, cao cấp; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển và đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chí du lịch chất lượng cao “Xanh – Sạch – Đẹp”.

PV: Vậy để phát triển và giữ gìn thương hiệu du lịch Vũng Tàu, thì cần những giải pháp gì và TP. Vũng Tàu đã triển khai thực hiện thế nào?

Bà Trương Thị Hường: Trên nền tảng mục tiêu chung của tỉnh đến năm 2020, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, thân thiện với môi trường; có thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đón gần 15 triệu lượt khách lưu trú, tăng trung bình 11%/năm; tổng thu từ khách du lịch khoảng 28.242 tỷ đồng, tăng trung bình 14%/năm; 100% nhân viên làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch; 100% cán bộ, quản lý du lịch có năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tại thành phố Vũng Tàu, có bãi tắm Thùy Vân, Chí Linh, Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Trước.

Cùng với du lịch biển, Bà Rịa – Vũng Tàu có các núi có địa hình và cảnh quan như Minh Đạm, Núi Dinh, Núi Lớn, Núi Nhỏ... có khả năng hình thành các khu du lịch phức hợp quy mô quốc tế. Trong khi đó, các di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo như khu Đình Thắng Tam, Thích ca Phật Đài, tượng Chúa Ki tô, Bạch Dinh hay Trận địa pháo cổ... là những nơi có thể phát triển thành điểm du lịch lễ hội, tâm linh.  

Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp trọng tâm là: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu chung du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn; tuyên truyền quảng bá hợp tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Song song đó, để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn thu hút lượng lớn du khách nước ngoài và có mặt trên bản đồ du lịch thế giới, năm 2018, thành phố Vũng tàu đã đề ra và đang thực hiện các giải pháp tập trung đồng bộ: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, phát triển tổng hợp các loại hình du lịch biển – đảo nhằm tạo ra bước đột phá về các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng như dịch vụ giải trí vui chơi, du lịch sinh thái, du lịch biển, phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp sạch phục vụ du khách tham quan, khai thác khu phố đi bộ, khu phố mua sắm, ẩm thực tập trung...

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc quản lý trật tự, vệ sinh môi trường, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là khu vực bãi sau. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây tổn hại đến môi trường kinh doanh du lịch.

Thành phố Vũng Tàu: Du lịch sẽ “Xanh – Sạch – Đẹp

Đến năm 2020, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

PV: Được biết,  TP. Vũng Tàu đã và đang thực hiện du lịch sạch, vậy cụ thể là sao?

Bà Trương Thị Hường: Việc xây dựng một chiến lược sạch và các chương trình hành động xung quanh chủ đề này như “Thực phẩm sạch”, Bãi biển sạch” hay “Khu du lịch xanh, sạch, đẹp”… là rất cần thiết để gây ấn tượng tốt trong lòng khách du lịch gần xa, tạo đột phá lớn cho du lịch, không chỉ cho thành phố Vũng Tàu, mà cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát triển du lịch phải đi liền với phát triển các ngành kinh tế khác nhằm khai thác tổng hợp các tiềm năng sẵn có của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp phục vụ các hoạt động du lịch và nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Như vậy, những ý tưởng hết sức khái quát nhưng đầy đột phá ở trên - sẽ là một lựa chọn, hướng đi mới cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, theo đúng tinh thần chiến dịch tái cơ cấu kinh tế tỉnh nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng táo bạo đó, cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ trong và ngoài tỉnh, trong đó quyết tâm của chính quyền tỉnh đóng vai trò chủ đạo.

Riêng thành phố Vũng Tàu, đã và đang tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng môi trường du lịch, cấm tổ chức ăn nhậu trên bãi tắm, loại bỏ tình trạng nâng, ép giá đối khách du lịch... Tuyển chọn các sản phẩm, quà lưu niệm, xây dựng các khu vực ẩm thực, khu mua sắm, khu vui chơi, khu giải trí… tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường an toàn cho khách du lịch.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Dũng (Thực hiện)