Ông Steve Francis, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã điều tra 68.000 website có dấu hiệu khả nghi liên quan tới những chiêu trò lừa đảo về Covid-19.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đánh vào tâm lý của người dân, số lượng trang web về vaccine Covid-19 đã tăng vọt kể từ tháng 11/2020. Nhiều người đã nhận được những đường link dẫn tới những trang web chợ đen này trong email hay hòm thư spam hay các ứng dụng.

Nhiều email chào hàng, hay quảng cáo spam thậm chí còn chào bán vaccine nhái dán nhãn Pfizer hay Moderna, với giá lên tới hơn 1.500 USD.

Tinh vi hơn, khi nhắn tin hỏi các những người bán ẩn danh này về việc mua vaccine, người mua sẽ nhận được câu trả lời: "Chỉ cần trả 0,01 Bitcoin, tức gần 400 USD, là có liều vaccine đủ dùng cho 1 người". Nhiều người cả tin đã trả tiền, nhưng không bao giờ nhận được sản phẩm. Tuy nhiên vẫn có thể coi đó là một sự may mắn, vì nếu thực sự loại vaccine giả mạo đó hạ cánh xuống cửa nhà bạn, thì rủi ro tiếp theo không còn nằm ở túi tiền nữa mà chính là sức khỏe. 

Thậm chí, với vaccine của Pfizer, nhiệt độ cần thiết để bảo quản là -70 độ C, nhưng nhiều người bán để dụ khách mua đã nói rằng chỉ cần bảo quản ở -10 độ C trong ngăn đá tủ lạnh là được.

"Những người điều chế vaccine giả không hề có kiến thức về dịch tễ, về quá trình điều chế vaccine an toàn và hiệu quả. Họ có thể trộn nước hoặc chất lỏng nào đó nhìn na ná vaccine và dán một cái nhãn của một hãng dược nào đó lên", ông Mansoor Amiji, Giáo sư khoa học dược, trường Đại học North Eastern, nhận định.

Hiện, Pfizer chưa có bình luận gì, nhưng Moderna khẳng định họ mới chỉ bán vaccine cho các chính phủ, đi kèm với đó là các chỉ dẫn và sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia y tế. Điều đó có nghĩa là vaccine bán trôi nổi trên mạng cho các cá nhân người tiêu dùng riêng lẻ nhiều khả năng là đồ giả.

Minh Đức