Sáng nay 1/10 (theo giờ Việt Nam), sau nhiều giờ đàm phán, Mỹ và Canada đã chính thức đạt được thỏa thuận khung về sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Như vậy, Canada đã nhất trí cùng tham gia Hiệp định NAFTA mà Mỹ và Mexico đã công bố vào tháng trước, tức là sau khi đàm phán sửa đổi, Hiệp định NAFTA “mới và hiện đại” vẫn duy trì là một hiệp định thương mại 3 bên, vốn được các hiệp hội doanh nghiệp, các thượng nghi sỹ đảng Cộng hòa Mỹ ủng hộ. 

Suốt đêm qua, các nhà đàm phán Mỹ và Canada đã chạy đua với thời gian để đáp ứng hạn chót vào nửa đêm 30/9 (giờ địa phương), tức khoảng trưa nay, theo giờ Việt Nam, đạt được thỏa thuận về sửa đổi NAFTA. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó tuyên bố Canada phải ký văn bản NAFTA mới trước hạn chót hoặc sẽ bị loại khỏi Hiệp định.

Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về NAFTA sửa đổi - Hình 1

Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về NAFTA sửa đổi

Đàm phán giữa Mỹ và Canada càng trở nên khó khăn hơn khi trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng chiến lược áp thuế cao như một vũ khí để đối phó với các đối tác thương mại mà ông cho là đang “ngược đãi” nước Mỹ.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox News, Cố vấn Thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, các bên đã làm việc “đầy thiện ý”. Những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa Canada và Mỹ trong thời gian qua vẫn là quan điểm bảo hộ của Canada đối với lĩnh vực văn hóa, giải trí cũng như việc Canada mong muốn duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19. Canada cũng mong muốn nhôm, thép và ô tô xuất khẩu của nước này không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế cao.

Theo các nguồn tin Canada, nước này đã nhất trí mức trần 2,6 triệu xe ôtô xuất sang Mỹ mà không chịu thuế cao, trong trường hợp Mỹ áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu.

Để có được sự nhất trí vào sáng nay, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã hoãn bài phát biểu năm 2018 của Canada tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc để tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ. Bà đã lập tức trở về Canada để tham gia các công tác liên quan tới Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trước đó, lo ngại đàm phán Mỹ, Canada thất bại, các tổ chức doanh nghiệp Mỹ đã phản đối việc biến NAFTA trở thành hiệp định song phương vì cho rằng, 3 nền kinh tế Mỹ, Canada, Mexico có mối quan hệ gắn kết, đan xen, không thể tách rời.

Thủ tướng Canada cũng khẳng định: “Chúng tôi đang tìm kiếm thỏa thuận tốt, không chỉ cho Canada mà cho cả nước Mỹ. Không có quốc gia nào trên thế giới mang lại những lợi ích và cơ hội lớn cho Mỹ như Canada, bởi nền kinh tế Canada và Mỹ quá gắn kết với nhau”.

Giới quan sát cho rằng, việc hoàn thành sửa đổi Hiệp định NAFTA vốn đã tồn tại được gần 25 năm là một thắng lợi lớn cho Tổng thống Mỹ và Đại diện thương mại Robert Lighthizer. Tổng thống Donald Trump từ lâu phàn nàn Hiệp định cũ đã khiến nước Mỹ mất đi hàng triệu công ăn việc làm ở lĩnh vực sản suất và dẫn tới thâm hụt thương mại ngày càng phình to. Hiệp định NAFTA mới cũng sẽ giúp các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô có thể cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu. Canada và Mexico đứng thứ nhất và thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ. Năm ngoái, thương mại của Mỹ với 2 nước láng giềng này đạt 1.100 tỷ USD.

Như vậy sau hơn 1 năm đàm phán, văn bản mới sửa đổi NAFTA sẽ được công bố trong ngày hôm nay. Điều này cũng cho phép Tổng thống sắp mãn nhiệm Mexico Enrique Peña Nieto ký thỏa thuận vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Các bên muốn Hiệp định được ký trước khi tân Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador lên nắm quyền bởi rất có thể ông sẽ tìm cách thay đổi.

Dự kiến văn kiện mới sẽ được lãnh đạo 3 nước ký kết trong 60 ngày tới và Quốc hội 3 nước sẽ phê chuẩn trong năm 2019. Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự kiến triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp ngay trong ngày hôm  nay để thảo luận về NAFTA. Trong khi đó, Bộ Kinh tế Mexico thông báo sẽ trình lên Quốc hội nước này văn kiện cập nhật về Hiệp định NAFTA mới.

Theo VOV