Nông dân huyện Chi Lăng thu hoạch na
Nông dân huyện Chi Lăng thu hoạch na

Nâng cao chất lượng

Cây na bén duyên với mảnh đất Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ những năm 2000 trở lại đây, trở thành cây chủ lực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống cho người dân. 

Na Chi Lăng có nhiều đặc điểm khác biệt với những giống na ở các vùng khác. Đó là quả to đều, khi chín có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, thịt quả nhiều, có màu trắng kem và ăn rất ngon miệng.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng năm 2015, toàn huyện Chi Lăng mới có 1.172 ha na; thì tính đến tháng 6 năm 2023, tổng diện tích sản xuất na toàn huyện Chi Lăng là hơn 2.300 ha; năng suất na thu hoạch đat 10,6 tấn/ha; sản lượng ước đạt 22.000 tấn (gồm cả na gối vụ, na rải vụ). Thu nhập từ sản xuất na, đảm bảo đời sống dân sinh cho trên 4.000 hộ dân trên địa bàn.

Nhận thấy xu hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, theo chuẩn VietGap và Globalgap là tất yếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, huyện đã áp dụng các tiêu chuẩn này trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong đó có sản phẩm na Chi Lăng.

Đông đảo người dân và thương lái buôn, bán na tại Chợ Na Chi Lăng, trị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn
Đông đảo người dân và thương lái buôn, bán na tại Chợ Na Chi Lăng, trị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chủ trương của huyện là tập trung nâng cao chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm na. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn trồng na theo mô hình nông nghiệp tốt (GlobalGAP, VietGAP) cho các hộ trồng; bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng na từ khâu cắt tỉa, chăm sóc, thực hiện các biện pháp sinh học trong diệt trừ sâu hại đến thụ phấn, thu hái…

Từ năm 2013, huyện Chi Lăng đã bắt đầu sản xuất na theo tiêu chuẩn VIETGAP. Năm 2023, huyện Chi Lăng đã thực hiện sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP là gần 800 ha; 35 ha sản xuất na theo tiêu chuẩn GlobalGAP; xây dựng và cấp mã vùng sản xuất cho 40 ha na tại xã Y Tịch và thị trấn Đồng Mỏ; 4 sản phẩm na tại các xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, xã Y Tịch, thị trấn Đồng Mỏ, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Nhờ sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của huyện Chi Lăng - đã tạo một phong trào thi đua sản xuất na an toàn, chất lượng rộng khắp trong huyện. Bà con nông dân huyện Chi Lăng đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất, canh tác vơi mục tiêu nâng cao chất lượng của quả na. Người dân đã sử dụng nhiều biện pháp sản xuất an toàn như sử dụng phân hữu cơ trong chăm bón cây, tiến hành bọc quả trong quá trình sinh trưởng để tránh bị ruồi vàng phá hoại, ưu tiên sản xuất lấy chất lượng làm đầu...

Chị Nguyễn Thị Thào, thành viên Hợp tác xã na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) chia sẻ: Nhờ tham gia vào tổ hợp tác và xây dựng vườn na theo tiêu chuẩn VIETGAP, nông nghiệp tốt, chất lượng quả na được nâng lên đáng kể, quả to, tròn, ngọt, thơm. Đặc biệt, na sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, GlobalGAP có giá thành cao hơn, sản phẩm luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình được nâng cao, thu nhập từ na đem lại cho gia đình 200 - 300 triệu đồng/vụ (gần 1.000 cây na).

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng, na Chi Lăng lọt vào Top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh và trao Cúp Vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong Top 10 Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018 và năm 2019.

Ngày nay, na Chi Lăng ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so các loại na khác trên thị trường. Quả na có mẫu mã đẹp, đều, cho hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, mát bổ nên được người tiêu dùng ưa thích. Na Chi Lăng có thương hiệu, nổi tiếng khắp vùng được khách trong và ngoài nước tìm đến tìm hiểu, đặt mua với số lượng lớn.

Xây dựng và phát triển thương hiệu

Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng, đã tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm na Chi Lăng, đưa na Chi Lăng tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại các phân khúc thị trường lớn, khó tính trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... và hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về cây na tại Vườn Na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về cây na tại vườn na Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng

Ông Vi Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để nâng cao hơn giá trị của na Chi Lăng, huyện đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vào bao bì, nhãn mác, gắn tem truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng. Ngoài việc hỗ trợ bà con tem truy xuất nguồn gốc, hộp giấy đóng gói (có in nhãn mác sản phẩm na Chi Lăng) cho các hộ trồng na, các cơ sở kinh doanh, các hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm na.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, huyện Chi Lăng cũng chú trọng trong việc xây dựng hình ảnh na Chi Lăng, như: Tổ chức các hội trợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng...

Hiện nay, huyện Chi Lăng đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại Hà Nội và nhiều chuỗi cửa hàng nông sản trên toàn quốc. Huyện Chi Lăng cũng chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, vụ na năm 2023, huyện Chi Lăng cũng quảng bá sản phẩm na Chi Lăng thông qua các hoạt động bán hàng online của các nghệ sĩ nổi tiếng; xây dựng các tua, tuyến du lịch thăm các di tích lịch sử kết hợp với du lịch trải nghiệm vườn na, trải nghiệm hái na tại vườn. Các hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm na, được triển khai trong tháng 8/2023

Trước những biến chuyển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ 4.0, những người nông dân trong huyện đã bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân quảng bá sản phẩm na trên mạng xã hội như zalo, facebook, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn),  postmart.vn...

Na có một có hạn chế trong bảo quản, đó là khi chín vỏ dễ bị thâm đen, dập nát, ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng nên việc xuất khẩu sang các nước xa về địa lý rất khó khăn. Để giữ vững thương hiệu, đa dạng sản phẩm làm từ na đến người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ quả na như kem na, mứt na, rượu na…

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đóng gói sản phẩm na đem đi tiêu thụ
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đóng gói sản phẩm na đem đi tiêu thụ

Chị Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn (địa chỉ thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng)  chia sẻ: Công ty được thành lập từ năm 2011, chủ yếu xuất khẩu hoa hồi khô và sản xuất một số sản phẩm từ hồi và quế. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, từ năm 2022, sau khi nghiên cứu, doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất na sấy dẻo đóng gói,  sinh tố na..., các sản phẩm đều được kiểm tra và có giấy chứng nhận cho sản phẩm. Sau khi ra mắt, sản phẩm được khách hàng khen ngợi và nhiệt tình đón nhận.

 “Là một trạm dừng nghỉ nên hàng ngày tiếp đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, thông qua các sản phẩm của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm từ quả na, chúng tôi muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, thương hiệu. Qua đó, có thể quảng bá các sản phẩm của địa phương vươn xa”, Chị Giang chia sẻ.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với những giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ - đã và đang được triển khai thực hiện. Hy vọng rằng, thương hiệu na Chi Lăng sẽ ngày càng được khẳng định, có mặt trên các quầy hàng, hệ thống siêu thị trong nước, cũng như trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại giá trị lợi ích kinh tế cao cho người nông dân.

Diện tích trồng na toàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023 là hơn 4.900 ha, trong đó, diện tích trồng na chủ yếu trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (huyện Chi Lăng khoảng 2.200 ha). Năng suất vụ na năm 2023, đạt 105 tạ/ha; sản lượng thu hoạch dự ước khoảng 39.000 tấn. Theo tính toán của phòng chuyên môn, vụ na năm 2023, bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 7 - 10/2023, nếu giá cả ổn định, tổng doanh thu từ na trên toàn tỉnh, dự kiến sẽ được từ 1.400 – 1.600 tỷ đồng...

Triệu Thành