Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu giày dép.

Được biết, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Từ đó cho thấy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và được ghi nhận.

Năm 2019: Ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD - Hình 1

Ảnh minh họa

Hiện giày dép Việt Nam đã có mặt tại trên 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất (chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu) gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Lefaso, trong năm 2018, xuất khẩu túi, vali, ví, cặp của Việt Nam có xu hướng giảm do cạnh tranh mạnh với các nước xuất khẩu. Tuy vậy, kim ngạch vẫn đạt khá, khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của mặt hàng này. Đây là mặt hàng quan trọng giúp ngành da giày về đích thành công năm 2018.

Đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu ngành da giày năm 2018 vẫn là khối doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8%.

Nhận định về triển vọng phát triển của ngành da giày năm 2019, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, một số hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết chuẩn bị có hiệu lực sẽ là động lực tốt cho tăng trưởng của ngành.

Theo đó, năm 2019 ngành da giày dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% như năm 2018.

Sang năm 2019, Chính phủ tiếp tục duy trì nền kinh tế vĩ mô với lãi suất hợp lý, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp da giày, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thiên Trường