Cụ thể, trong năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 5%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 41,85%, tăng 0,2% so với năm 2018, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Được biết, cả nước đã trồng 239.152 ha, đạt 112,6% kế hoạch năm 2019. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng từ đầu năm đạt khoảng 210.000 ha với sản lượng 19,5 triệu m3, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Cả năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, đạt 107% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018, vượt 6,6% so với kế hoạch (10,5 tỷ USD).

Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên hiện, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50,8% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước, Trung Quốc chiếm 10,5%).

Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt gần 42% (Ảnh minh họa)Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt gần 42% (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, hệ thống Chứng chỉ rừng của Việt Nam đã hoàn thiện, đã gia nhập nước thứ 50 tham gia hệ thống chứng chỉ Quốc tế PEFC. Đến cuối năm 2019, diện tích có chứng chỉ quản lý bền vững rừng toàn quốc đạt 269.163 ha trên địa bàn 24 tỉnh.Trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000 ha. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là 42.924 ha.

Trong năm 2019, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục được mở rộng. Tổng cục Lâm nghiệp và Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ đã ký Ý định thư hợp tác về lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), khẳng định vị thế, vai trò của lâm nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Năm 2020, toàn ngành lâm nghiệp đặt chỉ tiêu, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 5-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD.

UBND các cấp (huyện, xã) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; sử dụng số liệu hiện trạng rừng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững hàng năm; cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo.

Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2019, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Ngọc Linh