Trong khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực (gạo, cà phê, hạt điều…) giảm đáng kể thì gỗ và lâm sản lại có sự “bứt phá” ấn tượng, trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành Nông nghiệp.

Xuất khẩu gỗ bứt phá trong 8 tháng đầu năm 2019Xuất khẩu gỗ bứt phá trong 8 tháng đầu năm 2019

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Đỗ Thị Bạch Tuyết cho biế, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng đáng kể, với đà này, dự kiến trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của công ty tăng khoảng 40% so với năm 2018. 

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Các trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Đức…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền phân tích lý do xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh: Việc chủ động nguồn nguyên liệu và khai thác hiệu quả các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm gỗ của Việt Nam so với các đối thủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gỗ (khoảng 4.500 doanh nghiệp) đã từng bước nắm bắt được xu thế thị trường, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Sự chuyển biến về chất đã mang lại thành công, minh chứng rõ ràng nhất là có tới 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam từ các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Ngành Nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD, năm 2020 đạt từ 12 đến 13 tỷ USD, năm 2025 đạt từ 18 đến 20 tỷ USD. Đồng thời từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Để đáp ứng các đơn hàng từ những thị trường lớn, có giá trị cao, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ 4.0. Ngoài ra, chủ động nắm bắt các cơ hội mới và bảo đảm sự phát triển bền vững bằng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đổi mới công nghệ, đồng thời gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng...

Các doanh nghiệp sản xuất gỗ và lâm sản kiến nghị: Nhà nước và các bộ, ngành cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ… 

Hoan Nguyễn